Khám và quản lý bệnh lý dậy thì sớm ở trẻ em.

Dậy thì sớm đang là vấn đề thời sự được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Trong một số ít trường hợp, dậy thì sớm có thể là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm như u nang buồng trứng, u não, bệnh lý tuyến giáp,… Vì vậy cha mẹ cần phải đưa con đi khám sớm khi phát hiện các triêu chứng nghi ngờ.

  1. Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì sớm là sự xuất hiện của những biểu hiện về thể chất và hormon của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường ( trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai)

Các biểu hiện của dậy thì gồm: tuyến vú bắt đầu phát triển ở bé gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai. Ngoài ra có thể có các biểu hiện như: tăng nhanh vọt của chiều cao, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể.

Dậy thì sớm gồm có hai nhóm:

+ Dậy thì sớm trung ương: Do hoạt động sớm của trục hạ đồi- tuyến yên- sinh dục và phụ thuốc chủ yếu vào hormon hướng sinh dục.

+Dậy thì sớm ngoại biên : là dạng dậy thì chỉ phát triển sớm và riêng lẻ một đặc tính sinh dục thứ phát, không tiến triển hoặc tiến triển rất chậm.

+ Ngoài 2 nhóm trên còn có nhóm phát triển sớm tuyến vú, mọc lông sinh dục sớm nhưng là sự khác biệt bình thường chứ không phải bệnh lý.

  1. Nguyên nhân dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ

Phần lớn các trường hợp không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây ra biến đổi này:

+ Unão, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, bệnh lý tuyến giáp

+Lượng Estrogen đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều qua thực phẩm, đồ nhựa, mỹ phẩm,…

+Do thuốc,…

  1. Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ

– Dậy thì sớm ở bé gái: có biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển ngực, mọc lông mu, lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài,  bắt đầu có kinh nguyệt.

– Dậy thì sớm ở bé trai: có các biểu hiện như tinh hoàn, dương vật to lên, xuất hiện lông mu, lông nách, mụn trứng cá, giọng trầm. Cân nặng, chiều cao tăng nhanh được ghi nhận ở cả 2 giới.

  1. Nên làm gì khi nghi ngờ bé bị dậy thì sớm

Dậy thì sớm gây nhiều hệ lụy không mong muốn như giới hạn sự phát triển chiều cao, rối loạn tâm lý cho trẻ, vì vậy nếu bạn nghĩ rằng trẻ đang nghĩ rằng trẻ đang có dấu hiệu dậy thì sớm, bạn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp sớm. Ban nên đưa trẻ đi khám vào buổi sáng. Trẻ có thể ăn uống bình thường trước khi làm xét nghiệm.

     Ảnh: Bác sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhân dậy thì sớm

Các xét nghiệm có thể được làm: XQ tuổi xương, siêu âm tử cung- buồng trứng, xét nghiệm Hormon để đánh giá mức độ bài tiết hormon LH của tuyến yên. Ngoài ra trẻ có thể phải làm thêm xét nghiệm chuyên sâu hơn để tìm nguyên nhân dậy thì sớm.

  1. Con tôi có phải điều trị không?

Từ kết quả khám và làm xét nghiệm, bác sỹ chuyên khoa sẽ xem xét việc điều trị có mang lại lợi ích cho con bạn hay không để quyết định.

Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị cho bé bao gồm:

+  Tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán

+ Dự đoán chiều cao lúc trưởng thành: là yếu tố quan trọng để quyết định điều trị;

+ Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ,

Nếu các bác sỹ chuyên khoa nhận thấy trẻ được lợi ích từ việc điều trị, các bác sỹ chuyên khoa sẽ trao đổi với gia đình về mục tiêu có thể đạt được, những lựa chọn điều trị và giải thích về nguy cơ.

  1. Thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương là gì?

Thuốc được tiêm vào trong cơ (tiêm bắp sâu). Có 2 loại: tiêm 1 mũi tác dụng kéo dài 28 ngày hoặc tiêm 1 mũi tác dụng kéo dài trong 3 tháng. Các bác sỹ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của từng trẻ sau khi đã trao đổi kỹ với gia đình. Trong khoảng 2 tuấn sau khi tiêm mũi đầu tiên, một vài triệu chứng có thể xuất hiện như: thay đổi tính khí, tăng nhẹ kích thước tuyến vú và ra máu âm đạo nhẹ. Những triệu chứng này có thể biến mất sau vài tuần.

Bé sẽ được theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Điều trị thường xuyên và chính xác theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả điều trị của trẻ. Việc điều trị sẽ dừng lại khi trẻ được 10-11 tuổi hoặc sớm hơn tùy từng bé. Khi dừng điều trị, hormon sinh dục lại được cơ thể sản xuất trở lại và quá trình dậy thì bình thường sẽ lại bắt đầu, kinh nguyệt bắt đầu hoặc có trở lại sau 12 đến 18 tháng ngừng điều trị ở trẻ gái, trẻ trai vẫn có sự sản xuất tinh trùng bình thường.

Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình với đội ngũ bác sỹ được đào tạo chuyên khoa sâu về nội tiết tại Bệnh viện Nhi Trung ương cùng với xét nghiệm, trang thiết bị hỗ trợ chẩn đoán và thuốc điều trị được BHYT chi trả. Nhiều năm qua Bệnh viện đã  khám, chẩn đoán, quản lý , theo dõi điều trị nhiều  bệnh nhân dậy thì sớm. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, các bậc phụ huynh nên cho con đi khám và điều trị sớm để đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ về mức bình thường.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *