Một số điều cần biết về gây mê trong phẫu thuật

Gây mê để bệnh nhân nằm yên, không lo lắng, không đau, không cục cựa và đặc biệt là để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật.

Vô cảm để mổ nói chung hay gây mê nói riêng là một ngành chuyên sâu phức tạp của y học. Tất cả người bệnh cần mổ đều lo lắng khi mổ có bị đau hay không, có gì nguy hiểm không?

Tại sao phải gây mê?

Gây mê để bệnh nhân nằm yên, không lo lắng, không đau, không cục cựa và đặc biệt là để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật. Đau đớn và sợ hãi quá mức chịu đựng sẽ dẫn đến phản xạ ngưng tim chết người. Vì vậy đã mổ xẻ là phải có gây mê. Phẫu thuật và gây mê là một cặp bài trùng luôn song hành cùng nhau. Gây mê thì luôn đi kèm với hồi sức, đây là sợi xích liên hoàn của của một khoa phẫu thuật.

Hồi sức liên quan đến gây mê thế nào?

Hồi sức là để điều chỉnh mọi rối loạn về các chức năng sống của bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật và gây mê. Bằng các phương tiện theo dõi (monitoring), hỗ trợ tim mạch, hỗ trợ hô hấp và bằng việc sử dụng các thuốc hồi sức (điều trị các rối loạn tim mạch, truyền máu, truyền dịch…) mà việc hồi sức vô cùng quan trọng mà đặc biệt là với các cuộc mổ lớn.

Ở những bệnh nhân có những bệnh mạn tính kèm theo như cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, suy gan, suy thận, suy hô hấp, bệnh sọ não thì gây mê và hồi sức trở nên vô cùng quan trọng.

Gây mê có ảnh hưởng đến tính mạng không ?

Mục tiêu lớn nhất của gây mê hồi sức (GMHS) là bảo đảm an toàn cho bệnh nhân khi mổ. Nhờ các tiến bộ khoa học, nên việc gây mê đã được thực hiện rộng rãi, không những gây mê cho những ca mổ lớn như mổ tim, mổ phổi… mà còn cho cả những bệnh nhân nhổ răng, cắt amidan, soi bao tử – ruột già… rất an toàn cho bệnh nhân. Ngày nay, tỷ lệ tai biến trong gây mê giảm rất nhiều, hiện nay khoảng 1/1.000.000 ca mổ. Tại Pháp ngày nay chỉ có vài ca tai biến do gây mê trên 6 triệu ca mổ. Vậy nên chúng ta hoàn toàn yên tâm đến bệnh viện để gây mê và mổ.

Chuẩn bị gì trước khi gây mê ?

Trước khi chuẩn bị mổ, bạn cần làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng quan trọng của cơ thể. Với những người bệnh có bệnh mạn tính thì cần kiểm tra kỹ hơn rất nhiều. Bác sĩ phẫu thuật và gây mê sẽ hội ý với nhau về từng trường hợp trước khi quyết định mổ.

Người bệnh cần nhịn ăn trước mổ 6 tiếng và nhịn uống 3 tiếng trước gây mê. Việc này là rất quan trọng vì bác sĩ gây mê cần dạ dày của bạn hoàn toàn trống rỗng, nếu có thức ăn thì sẽ rất nguy hiểm. Có những người cho rằng cần ăn lấy sức trước khi mổ. Điều này là hoàn toàn sai, khi gây mê nếu thức ăn trào ngược lên sẽ làm tắc đường thở lập tức.

Gây mê có làm mất trí nhớ hay không?

Gây mê không làm mất trí nhớ. Các nghiên cứu so sánh giữa hai nhóm có và không có gây mê, thấy rằng gây mê không làm mất trí nhớ ở người trưởng thành và trẻ lớn trên 2 tuổi. Chúng tôi có nhiều bệnh nhân sau gây mê để mổ vẫn linh hoạt và nhớ rất rõ những gì xảy ra khi nằm bệnh viện, đến nhiều năm sau vẫn kể rất chính xác mà còn hài hước nữa chứ.

Bao lâu thì tỉnh?

Cách nay khoảng 20 năm về trước, thời gian hồi tỉnh sau gây mê là khá dài (khoảng 30 phút) nhưng nay thì hầu như bệnh nhân tỉnh ngay sau phẫu thuật, chỉ trong vòng vài phút mà thôi, đó là do có các thuốc mê thế hệ mới được đào thải rất nhanh ngay sau khi ngưng dùng thuốc. Hơn nữa, các thuốc gây mê thế hệ mới cũng gây cảm giác dịu nhẹ khi tỉnh dậy.

Đang mổ có bị tỉnh do bác sĩ quên cho thuốc hay không?

Điều này rất khó xảy ra, chỉ hơi thiếu thuốc mê một chút là bệnh nhân có triệu chứng tim đập nhanh lên và huyết áp cũng hơi tăng, và ngay lập tức bác sĩ sẽ cho thêm thuốc mê. Hiện nay, việc này đã được tự động hóa, tính được liều lượng cũng như thời gian chích thuốc cho bệnh nhân rồi, nói chung là đã được tự động hóa rồi các bạn ạ.

Có khi nào gây mê quá liều làm bệnh nhân ngủ luôn không?

Đây chỉ là những câu nói vui trong xã hội mà thôi. Tuy vậy, cũng có một vài trường hợp dị ứng nặng với thuốc mê hoặc thuốc tê (sốc thuốc), tỉ lệ rất thấp, cũng khoảng 1 phần vài triệu trường hợp dùng thuốc và phản ứng sốc thuốc phải rất nặng mới đe dọa tính mạng bệnh nhân, trong phòng mổ luôn có đầy đủ các phương tiện, nhân lực để xử trí những tình huống này.

Gây mê nhiều lần liên tiếp có hại gì không?

Bản thân gây mê không có hại dù là nhiều lần liên tiếp. Rất nhanh, các thuốc mê sẽ thải hoàn toàn sau khi mổ. Vấn đề khó khăn của bệnh nhân lúc này là bệnh nguyên nhân gây ra mổ nhiều lần.

 Lược sử ngành gây mê

Cách nay 167 năm, ngày 16/10/1846 lịch sử y học đánh dấu ca gây mê đầu tiên thành công và chính thức được công bố trên toàn thế giới. Hôm đó Bác sĩ William T. G. Morton thực hiện tại BV Đa khoa Massachussets của Đại học Harvard (Mỹ). Đây là một trong những thành tựu lớn và nổi tiếng nhất trong lịch sử của trường đại học này. Bằng cách “chụp” một cái phễu lót gạc tẩm thuốc ête (thuốc mê) lên mặt, bệnh nhân hít và bất tỉnh, sau đó BS J. C. Warren mổ cắt bướu vùng cổ cho một bệnh nhân là thợ in.

Từ những ngày sơ khai ấy đến nay đã gần 2 thế kỷ, để một ca mổ thành công tốt đẹp và an toàn đòi hỏi một đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên ngành gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm.

Khoa phẫu thuật GMHS cần được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa để theo dõi sát bệnh nhân, để hỗ trợ hô hấp và hỗ trợ tim mạch trong suốt quá trình phẫu thuật và cả giai đoạn hậu phẫu cho đến khi bệnh nhân tỉnh và khỏe hoàn toàn. Phải có đầy đủ các thuốc mê thế hệ mới nhất, thuốc giảm đau và các thuốc hồi sức tim mạch, hô hấp.

Thế hệ các thuốc mê mới ngày nay rất an toàn, gây mê êm ái, tỉnh lại nhanh và không mệt mỏi khó chịu. Nay có thể ví một ca gây mê như một chuyến bay dân dụng về độ phức tạp và tính an toàn cần phải có mà bác sĩ gây mê đóng vai trò như phi công lái máy bay vậy. Nhờ vào sự phát triển vượt bậc của ngành GMHS mà ngày càng có nhiều các ca “gây mê và phẫu thuật trong ngày”, bằng các phương pháp gây mê cân bằng, gây tê cục bộ hay gây tê tại chỗ, có khi chỉ tiền mê, bệnh nhân mổ buổi sáng thì buổi chiều đã được về nhà.

BS. Nguyễn Tiến Khởi – Khoa Gây Mê Hồi Sức – BV Sản Nhi NB

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *