Hãy chủ động cứu con bạn
Sơ cứu là những trợ giúp y tế ban đầu tại hiện trường trước khi trẻ được xử trí cấp cứu hoặc điều trị chuyên sâu. Sơ cứu đóng vai trò rất quan trọng, giúp duy trì sự sống, giảm thiểu tổn thương và hạn chế các biến chứng sau đó. Tuy nhiên việc sơ cứu trẻ cần phải được thực hiện đúng cách và kịp thời do đó, việc các bậc cha mẹ nắm được các bước sơ cứu trẻ là rất quan trọng.
1.Tiếp cận trẻ bị nạn
– Tiếp cận an toàn: khi gặp trẻ bị nạn bạn phải quan sát và loại bỏ các yếu tố nguy hiểm trước khi tiếp cận.
– Lay gọi trẻ xem trẻ có tỉnh không?
– Gọi người giúp đỡ: là việc nên làm ngày khi xác định có vấn đề. Bạn có thể gọi to để nhờ sự giúp đỡ của người xung quanh hoặc gọi điện cho trung tâm cấp cứu 115.
2.Đảm bảo đường thở được thông thoáng
– Nếu trẻ tỉnh, giao tiếp được thì chứng tỏ đường thở không bị bít tắc.
– Đường thở có thể bị bít tắc vì có đờm dãi, chất nôn, dị vật hoặc do trẻ hôn mê dẫn đến bị gập cổ không thở được. Trong trường hợp này bạn cần:
+ Lấy dị vật ra khỏi miệng mũi nếu nhìn thấy rõ và chắc chắn có thể lấy được.
+ Làm động tác khai thông đường thở nếu người bị nạn hôn mê.
Tư thế trung gian, ngửa đầu nâng cằm đối với trẻ nhỏ nhũ nhi. Giữ cho đầu, cổ và thân trẻ trên một đường thẳng.
Tư thế ngửa cổ, đầu hơi ngửa ra sau. Áp dụng cho trẻ lớn.
Làm thông thoáng đường thở bằng phương pháp ấn hàm, nâng xương hàm dưới trong trường hợp trẻ nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ
3.Hỗ trợ hô hấp.
Bạn hãy ghé sát mặt mình vào mặt trẻ để: Nhìn – Nghe – Cảm nhận.
Nhìn: Lồng ngực có dị động không?
Nghe: Có tiếng thở không?
Cảm nhận: xem có hơi thở của trẻ phả vào má mình không?
Nếu trẻ không có nhịp thở ( không thấy lồng ngực di động, không cảm nhận được hơi thở) hoặc trẻ thở chậm và tím tái thì cần hà hơi thổi ngạt cho trẻ ngay.
– Hít hơi sâu, ngậm cả miệng và mũi trẻ, hoặc chỉ mũi (bịt miệng), hoặc chỉ miệng (bịt mũi).
– Thổi hơi từ từ vào đường thở.
– Lồng ngực phồng lên khi thổi là được.
– Mỗi chu kỳ thổi 2 nhịp, lặp lại cho đến khi tình trạng ổn định hoặc khi có nhân viên y tế hỗ trợ.
4.Đảm bảo tuần hoàn.
Ngay sau khi thực hiện 2 nhịp thổi ngạt cho trẻ, bạn hãy xác định tuần hoàn của trẻ bằng cách bắt mạch của trẻ.
– Hãy bắt mạch cảnh hoặc mạch bẹn
– Cố gắng thực hiện trong 10 giây.
Nếu không có mạch hoặc mạch chậm dưới 60 lần/ phút, bạn hãy hỗ trợ tuần hoàn bằng ép tim ngoài lồng ngực:
Ép tim ở trẻ nhũ nhi Ép tim ở trẻ lớn hơn
– Vị trí ép tim: Nửa dưới của xương ức.
– Ép 15 lần rồi thổi ngạt 2 nhịp, tuần tự cho đến khi có sự hỗ trợ
– Lực ép: sao cho lồng ngực lún xuống 1/3 chiều dầy của lồng ngực.
– Đặt trẻ trên nền cứng trước khi ép.
5.Một số điều bạn cần lưu ý.
– Nếu nghi ngờ trẻ có tổn thương cột sống cổ thì phải cố định cột sống cổ trước khi làm các động tác khác.
– Nếu nghi ngờ trẻ bị tổn thương cột sống thì không được bế gập lưng, phải cố định trẻ nằm thẳng trên tấm cứng.
– Băng cầm máu các vết thương đang chảy máu hoặc nẹp xương gãy trước khi vận chuyển.
BS Đinh Thanh Bình
Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình