Hãy hiểu đúng về sơ cứu

Sáng ngày 25/9 khoa cấp cứu bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình tiếp nhận bệnh nhân V.T.B.An 02 tháng tuổi, được gia đình đưa thẳng từ nhà lên viện Sản Nhi trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, mũi miệng có nhiều sữa. Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ không có nhịp tim trở lại, kết luận bệnh nhân tử vong từ trước khi nhập viện nghi do sặc sữa. Đây là trường hợp rất đáng tiếc vì khi gia đình phát hiện thì trẻ vẫn tím tái, có nhiều sữa ở mũi miệng, thở yếu. Trong tình huống này nếu ngay tại chỗ bệnh nhân được sơ cứu đúng cách hoặc gia đình đưa trẻ vào cơ sở y tế gần nhất để ổn định tình trạng trước khi vận chuyển thì hy vọng cứu được bệnh nhân sẽ nhiều hơn.

Sơ cứu là những trợ giúp y tế ban đầu ngay tại nhà hay tại hiện trường khi người bệnh có những vấn đề sức khỏe, trước khi được xử trí cấp cứu hoặc được điều trị chuyên sâu.

Thực tế lâm sàng cho thấy việc sơ cứu ban đầu là một khâu quan trọng. Khi chúng ta làm tốt công đoạn này thì nhiều người bệnh được cứu sống hoặc hạn chế được sự tiến triển nặng lên của bệnh, đồng thời người bệnh sẽ được điều trị với phương pháp đơn giản và ít tốn kém hơn. Ngược lại nếu làm không tốt sẽ làm tăng mức độ nặng, gây ra các biến chứng khác và thậm chí làm mất cơ hội cứu sống người bệnh.

Cần nâng cao hiểu biết về sơ cứu

Việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng và cần được làm càng sớm càng tốt do đó rất nhiều trường hợp trách nhiệm này được đặt lên vai người dân hoặc người thân. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được sơ cứu đúng cách. Vì thế, việc nâng cao nhận thức cho người dân về sơ cứu, việc liên tục cập nhật kiến thức cấp cứu cho nhân viên y tế, việc mở các lớp sơ cứu ban đầu cho nhiều đối tượng trong cộng đồng … là rất cần thiết

Ảnh minh hoạ

Tại bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nặng mà nguyên nhân chính là do không được sơ cứu đúng, kịp thời. Có nhiều trường hợp người bệnh tử vong trước khi đến viện hoặc khi đến viện thì đã xuất hiện những biến chứng nặng nề mà trước đó không được sơ cứu. Những trường hợp này có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng phần lớn là do nhận thức của người dân về vấn đề sơ cứu còn chưa được đầy đủ  cộng với tâm lý hoảng sợ lo lắng nên dẫn tới những xử lý ban đầu không đúng, như: có trường hợp cần sơ cứu ban đầu trước tại tuyến y tế cơ sở nhưng người nhà lại vận chuyển qua một đoạn đường dài để lên tuyến trên, hoặc vận chuyển bệnh nhân bằng các xe không chuyên dụng dẫn đến sự chậm chễ, không được hỗ trợ y tế trên đường vận chuyển, hoặc những trường hợp sơ cứu không đúng cách như không băng cầm máu, không cố định xương gẫy….trước khi vận chuyển đến cơ sở y tế. Do đó khi gặp tình huống cần cấp cứu người dân cần bình tĩnh xử lý theo kiến thức đã được cập nhật, hoặc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115 để được tư vấn sơ cứu từ xa.

Bác sỹ Đinh Thanh Bình

Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *