Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình áp dụng chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh.

     Thời gian qua, với nhiều giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), góp phần phục vụ người bệnh và người dân tốt hơn.

     Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã nỗ lực triển khai việc KCB bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử VNeID. Cùng với đó, Bệnh viện cũng tích cực cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi và quản lý dữ liệu bệnh nhân một cách chính xác, tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ sở KCB. 

     Đối với yêu cầu khác trong thực hiện Đề án 06 như liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Bệnh viện đã xây dựng được modun ký số giấy chứng sinh từ phần mềm quản lý Bệnh viện, đẩy 100% giấy chứng sinh qua cổng liên thông dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Về liên thông Giấy báo tử, Bệnh viện cũng đã thực hiện nhập Giấy chứng tử trên cổng liên thông dữ liệu và thực hiện ký số trên cổng. Tiến tới Bệnh viện xây dựng để ký số giấy báo tử từ phần mềm quản lý Bệnh viện.

Nhân viên y tế thực hiện đăng ký khám, chữa bệnh bằng ứng dụng định danh điện tử VNeID trên điện thoại thông minh.

     Chị Đinh Thị Mỹ Anh, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Hiện nay, trên điện thoại thông minh của tôi đã tích hợp ứng dụng tài khoản định danh điện tử VNeID nên khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Sản-Nhi tôi thấy rất thuận tiện và dễ dàng. Tại đây, tôi chỉ cần đưa CCCD gắn chíp cho nhân viên y tế quét mã là các thông tin về người khám, chữa bệnh đã được tích hợp trên môi trường mạng, rất thuận lợi và giảm thời gian về các thủ tục hành chính cho chúng tôi và nhân viên y tế…

     Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, hướng tới xây dựng bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện thông minh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực cải cách các thủ tục hành chính cho người bệnh, như hồ sơ vào viện, chuyển viện, ra viện, cấp giấy chứng sinh, nghỉ ốm, nghỉ thai sản…; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt; đưa vào ứng dụng các máy móc, trang thiết bị y tế mới, thuận tiện cho cán bộ y, bác sỹ và người bệnh; chuẩn bị các điều kiện cho việc sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử… 

     Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Oanh, Điều dưỡng trưởng, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Tại Khoa Khám bệnh, mỗi ngày đón tiếp khoảng 600-700 lượt bệnh nhân đến làm các thủ tục trong quá trình KCB. Với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, Bệnh viện đã đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho người dân và người bệnh.

     Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà người bệnh, ngoài thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giấy, các hình thức đăng ký KCB khác cũng được thực hiện, như bằng ứng dụng BHXH số-cài đặt VssID, sử dụng CCCD gắn chíp. Đặc biệt, từ khi triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID có tích hợp thẻ BHYT đã giúp nhân viên bộ phận tiếp nhận hồ sơ tiết kiệm được thời gian làm thủ tục KCB và các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, đơn giản hơn trước.

          Khoa Khám bệnh được bố trí ghế ngồi, hành lang thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh cho người nhà và người bệnh ngồi chờ.

     Với những tiện ích mang lại trong KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán viện phí; quản lý kê đơn thuốc điện tử và kết nối với hệ thống thông tin quốc gia. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu theo lộ trình của Đề án 06 của Chính phủ. Qua đó, giúp người dân thay đổi cách tiếp cận, hình thành thói quen áp dụng số hóa trong giao dịch, nhận thức rõ lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

     Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn một số bất cập, như khi triển khai thực hiện đăng ký KCB bằng CCCD gắn chíp và ứng dụng định danh điện tử quốc gia VneID vẫn xảy ra tình trạng còn nhiều thẻ CCCD chưa được đồng bộ dữ liệu BHYT. Liên quan đến dữ liệu giấy chứng sinh, báo tử để chính xác về dữ liệu, Bệnh viện kiến nghị Sở Y tế đề xuất Bộ Công an phối hợp cơ quan BHXH trích xuất tự động dữ liệu địa chỉ thường trú, mã bảo hiểm xã hội, ngày cấp CCCD, nơi cấp CCCD. Hiện tại, khi cấp chứng sinh, báo tử, các nội dung trên đang được nhập lại theo CCCD, địa chỉ thường trú theo lời khai của người bệnh nên vẫn có khả năng dẫn đến sai sót trong dữ liệu.

     Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Bệnh viện đã quan tâm chỉ đạo, các khoa, phòng và cán bộ, nhân viên y tế, người lao động đều nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, từ đó xác định công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm soát và thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện, phục vụ tốt nhất cho người bệnh, với quan điểm vì nhân dân phục vụ.

     Theo đó, Bệnh viện đã xây dựng Kế hoạch số 41, ngày 4/4/2022 về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, về hiện đại hóa nền hành chính, về công tác chỉ đạo, điều hành, với tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm đạt khoảng 90%.

     Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong KCB và các hoạt động của đơn vị. Như thực hiện kết nối văn bản hành chính với Sở Y tế; kết nối dữ liệu về KCB BHYT với cơ quan BHXH; triển khai ứng dụng chữ ký điện tử, phần mềm quản lý nhân sự trong bệnh viện. Hiện 100% cán bộ, viên chức và người lao động trong bệnh viện đã sử dụng máy vi tính phục vụ hoạt động chuyên môn.

     Bên cạnh đó, với việc triển khai hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh PACS tại bệnh viện mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong hoạt động quản lý. Việc lưu trữ và truyền hình ảnh PACS được áp dụng hỗ trợ điều trị giúp cho các bác sỹ có thể xem trực tiếp hình ảnh của bệnh nhân điều trị ở bất kỳ phòng, ban nào trong thời gian nhanh nhất. Từ lần khám bệnh sau, bệnh viện sẽ dễ dàng trích xuất hồ sơ khám bệnh của bất kỳ bệnh nhân nào qua kho lưu trữ.

     Hiện nay, việc triển khai ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, thẻ CCCD gắn chíp trong KCB BHYT là giải pháp tích cực, phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số của ngành Y tế. Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục tra cứu đảm bảo 100% người bệnh mang CCCD đều được tiếp đón bằng CCCD. Đối với các trường hợp dữ liệu chưa đồng bộ sẽ được hướng dẫn người dân quay về xã, phường để được giải quyết. Từ đó, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng, đồng thời minh bạch thông tin, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tiêu cực trong KCB BHYT.

                                                                                                             Bài, ảnh: Hạnh Chi – Báo Ninh Bình

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *