3 xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Theo thống kê tại phòng khám Phụ- bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, tỷ lệ chị em phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ngày càng tăng lên, với độ tuổi ngày càng trẻ hóa, trong số đó nhiều chị em đã để bệnh quá muộn vì ngại khám sản phụ khoa.
Ung thư cổ tử cung hay gặp ở phụ nữ 40- 50 tuổi, nhưng thời gian gần đây bệnh gặp nhiều ở cả người trẻ tuổi.
Trường hợp của Nguyễn Thanh H. 26 tuổi, quê Yên Mô, bị ung thư cổ tử cung. Chị H. cho biết khoảng 1 năm nay chị thường xuyên bị ra dịch âm đạo hôi kèm ra máu ngoài ngày hành kinh nhưng ngại không đi khám phụ khoa. Đến khi tình trạng ra máu nhiều hơn chị H mới đi khám tại bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình, bác sĩ khám và xét nghiệm sinh thiết tại chỗ, kết quả chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, đã di căn buồng trứng 2 bên.
Bác sĩ cho biết, việc điều trị bệnh của chị H sẽ không chỉ gồm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, mà còn phải xạ trị và hóa trị, vì phát hiện muộn nên khối ung thư đã di căn. Tuổi chị H còn trẻ nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như nội tiết và sinh lý phụ nữ.
Trường hợp của Phạm Thị Q. 38 tuổi, thành phố Ninh Bình, phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm qua khám sản khoa. Chị Q đến khám sàng lọc ung thư tại phòng khám Phụ số 1- bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình và qua khám xét nghiệm tế bào cổ tử cung- âm đạo, bác sĩ phát hiện có tế bào bất thường, chị Q được soi cổ tử cung, sinh thiết, và kết quả bác sĩ chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.
Những trường hợp như chủa chị Q, bác sĩ cho biết việc điều trị sẽ đơn giản hơn, thời gian ngắn hơn. Lúc này là giai đoạn sớm, tổ chức ung thư còn khu trú tại chỗ, chưa xâm lấn và di căn. Có thể giữ lại tử cung, buồng trứng nên nội tiết và sức khỏe gần như không thay đổi nhiều
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu hầu như không có các triệu chứng. Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường như ra dịch hôi, ra máu âm đạo bất thường ngoài ngày hành kinh, đau bụng, sút cân, đau lưng, thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Cách phát hiện sớm
Các chuyên gia đều khuyến cáo chị em phụ nữ đã có quan hệ tình dục và tình trạng viêm nhiễm phụ khoa nên khám phụ khoa định kỳ phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Ảnh minh họa
Một trong những xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là PAP-smer, là một xét nghiệm rất đơn giản, có kết quả nhanh, không đau, không chảy máu. Các bác sĩ sẽ lấy tế bào bong ở cổ tử cung- âm đạo, sau đó bệnh phẩm sẽ được nhuộm và soi bằng kính hiển vi để tìm các kiểm tra các tế bào ở các mức độ như bình thường, loạn sản, tiền ung thư, ung thư
Tùy mức độ bất thường của tế bào trên kết quả PAP-smer mà bác sỹ sẽ tư vấn cách điều trị hay thăm khám chuyên sâu phù hợp để chẩn đoán bệnh.
Từ giai đoạn loạn sản cổ tử cung đến ung thư cần 10-15 năm và PAP-smer có thể âm tính giả nên bác sỹ khuyến cáo người phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên làm PAP-smer 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Sau 3 năm nếu kếu quả đều âm tính thì làm test 2 năm 1 lần cho tới tuồi 60.
Xét nghiệm cần làm thứ 2 là soi cổ tử cung, đây là một biện pháp được áp dụng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, được tiến hành khi thấy cổ tử cung có tổn thương bất thường hoặc với những phụ nữ trên 40 tuổi.
Khi soi người ta sử dụng bằng máy soi có độ phóng đại từ 10-30 lần với độ nét cao, được nối với máy vi tính để lưu hình ảnh và in ra để được lưu lại để theo dõi sau này.
Sinh thiết cổ tử cung là phương tiện sau cùng và cho kết quả chính xác hơn cả, người ta tiến hành bằng cách lấy một mô nhỏ tại nơi soi cổ tử cung có tổn thương nghi ngờ rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.
Ngoài ra, gần đây còn có phương pháp Thin-prep giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung với độ nhậy cao. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thường xuyên thăm khám sức khoẻ, đặc biệt là phụ nữ không nên ngần ngại khám sản khoa để phát hiện sớm bệnh, giúp việc điều trị bệnh sớm và mang lại hiệu quả cao.
BS Nguyễn Thị Ngọc Phương
Khoa phụ – BV Sản Nhi Ninh Bình