Phân tích danh mục thuốc được sử dụng tại bệnh viện Sản nhi Ninh Bình năm 2017
PHÂN TÍCH ABC
Khái niệm:
Phân tích ABC là phương pháp phân tích tương quan giữa lượng thuốc tiêu thụ hàng năm và chi phí nhằm phân định ra những thuốc nào chiếm tỷ lệ lớn trong ngân sách.
Tác dụng:
– Cho thấy những thuốc được sử dụng thay thế với lượng lớn mà có chi phí thấp trong danh mục hoặc có sẵn trên thị trường. Thông tin này được sử dụng để:
+ Lựa chọn những thuốc thay thế có chi phí điều trị thấp hơn.
+ Tìm ra những liệu pháp điều trị thay thế.
+ Thương lượng với nhà cung cấp để mua được thuốc với giá thấp hơn.
– Lượng giá mức độ tiêu thụ thuốc, phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng và từ đó phát hiện những chưa hợp lý trong sử dụng thuốc, bằng cách so sánh lượng thuốc tiêu thụ với mô hình bệnh tật.
– Xác định phương thức mua các thuốc không có trong danh mục thuốc thiết yếu của bệnh viện.
+ Phân tích ABC có thể ứng dụng các số liệu tiêu thụ thuốc cho chu kỳ trên 1 năm hoặc ngắn hơn. Phương pháp này cũng có thể ứng dụng cho một đợt đấu thầu hoặc nhiều đợt đấu thầu.
+ Các bước của phân tích ABC:
– B1: Liệt kê các sản phẩm (SP).
– B2: Điền các thông tin sau cho mỗi SP:
+ Đơn giá của SP (sử dụng giá cho các thời điểm nhất định nếu SP có giá thay đổi theo thời gian).
+ Số lượng các SP.
– B3: Tính số tiền cho mỗi SP bằng cách nhân đơn giá với số lượng SP. Tổng số tiền sẽ bằng tổng của lượng tiền cho mỗi SP.
– B4: Tính giá trị % của mỗi SP bằng cách lấy số tiền của mỗi SP chia cho tổng số tiền.
– B5: Sắp xếp lại các SP theo thứ tự % giá trị giảm dần.
– B6: Tính giá trị % tích lũy của tổng giá trị cho mỗi SP; bắt đầu với SP số 1 sau đó cộng với SP tiếp theo trong danh sách.
– B7: Phân hạng SP như sau:
+ Hạng A: Gồm những SP chiếm 75 – 80% tổng giá trị tiền.
+ Hạng B: Gồm những SP chiếm 15 – 20% tổng giá trị tiền.
+ Hạng C: Gồm những SP chiếm 5 – 10% tổng giá trị tiền.
Thông thường, SP hạng A chiếm 10 – 20% tổng SP, hạng B chiếm 10 – 20% và còn lại là nhóm C chiếm 60 -80%.
+ Từ phân tích ABC có thể chỉ ra các thuốc được sử dụng nhiều mà thuốc thay thế có giá thấp hơn sẵn có trong danh mục hoặc trên thị trường, có thể lựa chọn các thuốc thay thế có chỉ số chi phí – hiệu quả tốt hơn, hoặc xác định các liệu pháp điều trị thay thế, tiếp đến có thể đàm phán với các đơn vị cung cấp với mức giá thấp hơn.
+ Áp dụng phương pháp này giúp đo lường mức độ tiêu thụ thuốc, phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vì vậy có thể xác định được việc sử dụng thuốc chưa hợp lý dựa vào lượng thuốc tiêu thụ và mô hình bệnh tật. Bên cạnh đó phân tích ABC có thể xác định việc mua sắm các thuốc không nằm trong danh mục thuốc (DMT) thiết yếu của bệnh viện, ví dụ các thuốc không nằm trong DMT bảo hiểm.
Tóm lại, phân tích ABC có ưu điểm là có thể xác định được những thuốc nào chiếm phần lớn chi phí dành cho thuốc, nhưng nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là không cung cấp được các thông tin để có thể so sánh các thuốc về sự khác biệt hiệu quả điều trị.
PHÂN TÍCH VEN
+ Đôi khi nguồn kinh phí không đủ để mua tất cả các thuốc như mong muốn. Phân tích VEN là phương pháp phổ biến giúp cho việc lựa chọn những thuốc cần ưu tiên để mua và dự trữ trong bệnh viện.
+ Các thuốc được phân chia tùy theo tác dụng thành các hạng mục sống còn, thiết yếu và không thiết yếu.
+ Phân tích VEN cho phép so sánh những thuốc có hiệu lực điều trị và khả năng sử dụng khác nhau (khác với phân tích ABC chỉ có thể so sánh những nhóm thuốc có cùng chung hiệu lực điều trị).
+ Các thuốc sống còn (V): gồm các thuốc dùng để cứu sống người bệnh hoặc các thuốc thiết yếu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
+ Các thuốc thiết yếu (E): gồm các thuốc dùng để điều trị cho những bệnh nặng nhưng không nhất thiết cần phải có cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
+ Các thuốc không thiết yếu (N): gồm các thuốc dùng để điều trị những bệnh nhẹ, có thể có hoặc không có trong danh mục thiết yếu và không cần thiết phải lưu trữ trong kho.
Hầu hết mọi người đều thấy dễ dàng khi xếp loại các thuốc thuộc nhóm “N” nhưng lại khó khăn khi phân biệt giữa các thuốc nhóm “V” và “E”; và thường phân loại thuốc theo hai nhóm thiết yếu hay không thiết yếu. Điều này cũng không quan trọng miễn là hệ thống phân loại nhóm thuốc sử dụng được định nghĩa rõ ràng và cho phép phân loại các thuốc theo thứ tự ưu tiên.
Sau khi hoàn thành phân tích VEN, cần phải so sánh giữa phân tích ABC và VEN để xác định xem có mối liên hệ giữa các thuốc có chi phí cao và các thuốc không ưu tiên hay không. Cụ thể là cần phải loại bỏ bớt những thuốc “N” trong danh sách nhóm thuốc A (Nhóm AN) có chi phí cao/lượng tiêu thụ lớn trong phân tích ABC.
Việc thực hiện phân tích Danh mục thuốc theo ABC đã được tiến hành tại bệnh viện Sản Nhi năm 2017 trên cơ sở hồi cứ số lượng danh mục thuốc sử dụng năm 2016 của Bệnh viện trong đề tài nghiên cứu cấp cơ sở của Ds Hà Ngọc Sơn Khoa Dược bệnh viện. Kết quả cho thấy: Thuốc hạng A gồm 41 thuốc hạng A với giá trị sử dụng là 12.969,3 triệu VNĐ chiếm tỷ lệ 11,88% tổng danh mục thuốc. Thuốc hạng B gồm 42 thuốc chiếm 12,17% tổng danh mục thuốc. Thuốc hạng C gồm 262 thuốc chiếm 75,95% về tổng danh mục thuốc. Qua đó cho thấy DMT của Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình sử dụng năm 2017 về cơ bản đã phù hợp với mô hình bệnh tật và đáp ứng phần lớn được nhu cầu sử dụng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh của bệnh viện trong năm. Không lạm dụng vitamin và khoáng chất (Chỉ chiếm 0,46% giá trị so với tổng danh mục thuốc), các hoạt chất có tính hỗ trợ trong điều trị, các thuốc đa thành phần (Thuốc đơn thành phần chiếm tới 91,58% về giá trị) và thuốc theo quy chế GN-HTT (Chiếm 2,02% giá trị so với tổng danh mục thuốc).
Việc phân tích DMT theo VEN cũng từng bước được tiến hành tại bệnh viện, tuy vậy cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như việc sắp xếp các thuốc nhóm V; E thậm trí nhóm N có sự khác nhau ở các khoa…Do vậy cần tiếp tục triển khai và hoàn thiện trong các năm tiếp theo.
Ví dụ hướng dẫn cho phân loại VEN
Ds. Hà Ngọc Sơn
Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình