Những điều cần biết về thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là những trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở vòi trứng, khi vỡ chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ của người có thai ngoài tử cung vỡ.
Thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 4,5 – 10,5 phần ngàn, có nghĩa là cứ 1.000 người có thai thì sẽ có từ 4 đến 10 người có thể bị thai ngoài tử cung. Người có thai ngoài tử cung vỡ một lần thì sẽ có khả năng bị thai ngoài tử cung lại.
Tại sao phụ nữ khi có thai có thể bị thai ngoài tử cung?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thai ngoài tử cung đứng hàng đầu là nguyên nhân làm viêm nhiễm vòi trứng, trong đó nạo phá thai nhiều lần,viêm nhiễm vùng chậu là nguyên nhân thường gặp nhất. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: khối u phần phụ như u nang buồng trứng, những phẫu thuật được thực hiện trước đó đến vòi trứng,
Hậu quả của thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung có thể vỡ bất cứ lúc nào, khi vỡ máu ồ ạt vào trong ổ bụng, người bệnh có thể bị ngất xỉu và tử vong khi chưa kịp đến bệnh viện, hoặc nếu sống được thì sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và tương lai sản khoa về sau.
Làm sao để biết được có thai ngoài tử cung?
Đối với những trường hợp TNTC chưa vỡ, người bệnh có những dấu hiệu sau:
– Chậm kinh hoặc rong huyết: một số trường hợp người bệnh bị chậm kinh, mất kinh nhưng cũng có một số trường hợp người bệnh có thể ra huyết trước ngày hành kinh rồi kéo dài cho nên không nghĩ rằng mình có thai, hoặc khi có khi không gọi là rong huyết. Thường là lượng máu ít, màu thâm đen và không đông
– Đau bụng: đây là dấu hiệu mà thường người bệnh nào cũng có. Đau vùng bụng dưới, đau âm ỉ, thỉnh thoảng có cơn đau nhói.
– Thăm khám chẩn đoán những trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ rất khó. Bác sĩ có thể sờ được có một khối u cạnh tử cung, dạng hơi dài theo chiều dài vòi trứng, giới hạn khá rõ, mật độ mềm, chạm đau. Đôi khi người bệnh có ra huyết âm đạo giống như sảy thai.
– Định lượng βHCG chỉ giúp chẩn đoán có thai, nhưng không thể xác định được thai ngoài tử cung.
– Siêu âm cho thấy trong lòng tử cung không có túi thai, có thể nhìn thấy khối u cạnh tử cung với echo dạng hỗn hợp, hoặc thấy được hình ảnh túi thai trong vòi trứng (nhưng rất khó thấy).
– Nội soi ổ bụng chẩn đoán: đây là phương pháp nhanh chóng, hiện đại, chẩn đoán chính xác 100% các trường hợp thai ngoài tử cung.
Đối với những trường hợp TNTC vỡ, người bệnh có những dấu hiệu sau:
– Cũng chậm kinh hoặc rong huyết, đau vùng bụng dưới.
– Nhưng sẽ có một cơn đau nhói dữ dội, sau đó người bệnh cảm thấy rất mệt, có thể ngất xỉu và nếu không được mổ kịp thời thì có thể bị tử vong trên đường cấp cứu.
– Toàn trạng: Da xanh niêm mạc nhợt
Mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt thấp.
– Thăm khám những trường hợp này sẽ thấy được túi cùng căng đau (phản ứng cùng đồ sau) rõ, chọc dò cùng đồ sẽ rút ra được máu đen loãng không đông.
– Siêu âm sẽ thấy cùng đồ có máu, ổ bụng có máu.
– Nội soi hoặc mổ bụng. Để điều trị cắt vòi trứng bên bị thai ngoài tử cung, hút rữa ổ bụng, lấy máu truyền hoàn hồi
Đối với những trường hợp huyết tụ thành nang:
Huyết tụ thành nang là những trường hợp thai ngoài tử cung vỡ, máu chảy rỉ rả và tụ lại ở cùng đồ sau. Ruột mạc nối sẽ đến bao bọc khối máu và vòi trứng lại thành một khối nang.
Người bệnh sẽ có những dấu hiệu giống như thai ngoài tử cung chưa vỡ với rong huyết và đau vùng bụng dưới kéo dài, sẽ có một lúc đau nhói nhiều rồi lại giảm đi, nhưng sau đó lại cảm thấy muốn đi cầu, muốn rặn hoặc đi tiểu lắc nhắc nhiều lần.
Thai ngoài tử cung là một bệnh lý rất nguy hiểm cho người bệnh về tính mạng, sức khoẻ và ảnh hưởng đến tương lai có con về sau. Như vậy làm thế nào để tránh sự nguy hiểm đó?
Cần phải làm gì để tránh nguy hiểm khi nghi ngờ thai ngoài tử cung?
Thai ngoài tử cung (TNTC) là một cấp cứu thường gặp, đó là hiện tượng người bệnh có thai, nhưng thai không nằm trong lòng tử cung như bình thường mà nằm tại vị trí bất thường ngoài tử cung. Chính vì tại các vị trí bất thường đó mà TNTC sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, đe doạ tính mạng người bệnh.
Vì vậy, khi nghi ngờ TNTC, người bệnh cần phải nhập viện, tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không được tự động bỏ về để cùng với bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Khi nhập viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn :
– Theo dõi tình trạng sức khoẻ như đau bụng ít hay nhiều, có ra huyết nhiều không, có cảm giác thốn nặng ở hậu môn, mắc cầu không…
– Được giải thích rõ bệnh của mình là cần theo dõi sát mạch, huyết áp tại bệnh viện để chẩn đoán và điều trị sớm, không để bệnh diễn tiến đến mức độ nặng từ TNTC chưa vỡ thành TNTC bị vỡ gây chảy máu nhiều.
– Một vài triệu chứng của TNTC mà người bệnh cần biết để tự mình theo dõi cho mình:
Triệu chứng TNTC chưa vỡ:
- Chậm kinh -> thử nước tiểu thấy có thai.
- Đau bụng.
- Ra huyết rỉ rả kéo dài.
Triệu chứng TNTC bị vỡ: Gồm các triệu chứng của TNTC chưa vỡ, kèm thêm: đau bụng đột ngột, dữ dội đau đến muốn xỉu, đau vã mồ hôi, xanh xao, nhợt nhạt…
Nguy hiểm của TNTC vỡ:
Mất máu nhiều: một khi đã mất máu nhiều, người bệnh buộc phải được truyền máu để bù lại cho đủ, do đó sẽ gây tốn kém rất nhiều cho việc điều trị, chưa kể đến có thể bị vài phản ứng không tốt do truyền máu gây ra.
Và nếu mất máu quá nhiều -> đưa đến tử vong nếu không đến bệnh viện để phẫu thuật kịp thời.
Khi đi khám bệnh, hay khi được thăm bệnh trong lúc theo dõi, người bệnh nên:
Khai rõ các triệu chứng không bình thường mà mình đang có như chậm kinh, đau bụng, ra huyết…
Kể rõ tình hình bệnh tật trước đây của mình, đặc biệt là bệnh phụ khoa (như viêm nhiễm đường sinh dục, có huyết trắng ngứa, hôi, có điều hoà kinh nguyệt, có nạo phá thai không, có mổ xẻ gì ở vùng bụng trước đây không, có đi điều trị vô sinh không…?).
Nên để cho bác sĩ thăm khám khi cần thiết để việc theo dõi được tốt và chính xác.
Trong thời gian theo dõi, nếu diễn tiến bệnh phức tạp, làm cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn, các triệu chứng bất thường mà người bệnh cảm thấy cũng như các dấu hiệu khi bác sĩ thăm khám, cùng với các kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm đều không đủ chẩn đoán chắc chắn là người bệnh bị TNTC thì người bệnh sẽ được đề nghị làm thêm một bước chẩn đoán cuối cùng, đó là “ Nội soi chẩn đoán”.
Vậy “ Nội soi chẩn đoán” là gì?
Đó là một phương pháp phẫu thuật dùng để chẩn đoán chính xác có TNTC hay không và nếu có thì cho phép ta điều trị luôn TNTC đó.
Có TNTC thật sự: thì người bệnh sẽ được điều trị luôn ngay trong lúc nội soi.
Không có TNTC: thì người bệnh ngoài việc được khẳng định chắc chắn không có TNTC còn được kiểm tra có viêm nhiễm, có dày dính gì không, có u bướu gì không…, sau đó sẽ được xuất viện sớm một cách yên tâm về tình trạng của mình, cũng như kết quả một quá trình theo dõi căng thẳng kéo dài vì bị nghi ngờ có TNTC mà không biết được khi nào nó vỡ ra.
Điều trị chữa ngoài tử cung như thế nào?
Có hai phương pháp điều trị chửa ngoài tử cung:
– Điều trị nội khoa bằng MTX: Ứng dụng cho những trường hợp phát hiện chửa ngoài tử cung đến sớm khối chửa chưa bị vỡ và đủ điều kiện điều trị nội khoa
– Điều trị ngoại khoa:
+ Phẫu thuật nội soi:
Phẫu thuật Nội Soi là phẫu thuật mang nhiều ưu điểm:
- Không gây đau đớn sau khi mổ.
- Không dùng kháng sinh nhiều.
- Phục hồi lại sức khoẻ nhanh.
- Trở lại với công việc và sinh hoạt thường ngày sớm.
- Có tính thẩm mỹ vì không để sẹo xấu trên bụng (sẹo mổ khoảng 0,5 – 1 cm).
- Thời gian nằm viện rất ngắn (khoảng 48 giờ sau khi mổ là có thể xuất viện được).
Do đó ít gây ảnh hưởng lên sức khoẻ người bệnh và chi phí điều trị thấp.
Vì các ưu điểm trên mà Nội soi được chọn lựa để chẩn đoán sớm và chẩn đoán chính xác TNTC chưa vỡ, tránh kéo dài nguy cơ vỡ TNTC cho người bệnh.
+ Phẫu thuật mở: Hiện nay ít được áp dụng vì phương pháp này có nhiều
hạn chế hơn so với phẩu thuật nội soi.
TNTC là một bệnh không mong đợi ở tất cả mọi phụ nữ đang mong muốn có con nhưng đôi khi TNTC là khó tránh và phải chấp nhận, nhưng còn ở các chị em khác chưa muốn có con, các chị em có thể nên ngừa thai, và đặc biệt là phòng tránh TNTC bằng thuốc ngừa thai, dùng bao cao su, không nên nạo phá thai một cách bừa bãi vì đó là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến vô sinh và TNTC sau này.
BS Trần Văn Hiến – Khoa Phụ BV Sản Nhi NB