Những lưu ý trong sàng lọc sớm nguy cơ tiền sản giật ở 3 tháng đầu thai kỳ
Tiền sản giật – Sản giật (TSG-SG) là rối loạn chức năng đa cơ quan liên quan đến thai nghén, chiếm tỷ lệ khoảng 2 – 10% trong toàn bộ thai kỳ. Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới.
Dù đã có những nỗ lực trong quản lý giai đoạn tiền sản nhưng TSG-SG vẫn là một trong những gánh nặng bệnh tật trong công tác chăm sóc sức khỏe mẹ và bé.
Bệnh viện sản nhi Ninh Bình thực hiện sàng lọc tiền sản giật thường quy trong quy trình quản lý thai nghén, khám thai cho tất cả mọi thai phụ. Tại thời điểm 11 – 13+6 tuần tuổi thai, mục tiêu của Bệnh viện là tập trung vào sàng lọc tiền sản giật sớm và can thiệp dự phòng.

Khuyến cáo các nhóm sản phụ nguy cơ cao cần làm sàng lọc tiền sản giật:
1. Đặc điểm của sản phụ
– Có mức sống thấp.
– Thường xuyên lạm dụng chất kích thích.
2. Tiền sử của sản phụ
– Có trên 1 lần mang thai mắc tiền sản giật, đặc biệt là tiền sử tiền sản giật sớm và sinh cực non (< 34 tuần); tiền sử gia đình bị tiền sản giật (mẹ hoặc chị em gái).
– Mắc bệnh thận mạn tính.
– Mắc bệnh lý tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid.
– Đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2.
– Tăng huyết áp mạn tính.
– Tiền sử gia đình mắc các bệnh tim mạch sớm, mẹ của thai phụ có bệnh tăng huyết áp.
3. Tình trạng thai kỳ này
– Cách lần mang thai trước >10 năm, mẹ mang thai ≥ 40 tuổi.
– Mang thai con so, đa thai.
– Chồng, bạn tình khác so với các lần mang thai trước.
– Có sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
– Hút thuốc lá trong thai kỳ.
– Chỉ số khối cơ thể (BMI) trước mang thai ≥ 35kg/m2.
– Mức huyết áp cơ bản: HATT > 130mmHg hoặc HATTr > 80mmHg.
– Tăng cân quá mức trong thai kỳ, nhiễm trùng thai nghén, bệnh lý tế bào nuôi.
– Tăng triglycerid trong thai kỳ.
(Bài viết có sự tham khảo chuyên môn từ BSCKI. Phạm Mạnh Toàn – Phó Trưởng khoa Khám Bệnh Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình)