Khám quản lý thai nghén chuyên đề tiền sản giật
Tiền sản giật là bệnh lý vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng đến rất nhiều phụ nữ mang thai hoặc khiến cho họ phải chịu những hậu quả nặng nề. Vậy điều trị tiền sản giật được thực hiện ra sao và làm thế nào để phòng ngừa?. Tiền sản giật là gì? Tiền sản giật (hay nhiễm độc thai nghén) là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp đối với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Các biểu hiện của tiền sản giật có thể kể đến như: Cao huyết áp, xuất hiện protein trong nước tiểu, phù …
Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh nở, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân. Đặc biệt, tiền sản giật có thể dẫn đến tình trạng SẢN GIẬT, trong đó mẹ bầu bị co giật, mất ý thức, có thể hôn mê nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, tiền sản giật còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm sau sinh, bao gồm tai biến mạch máu não, tổn thương thận nghiêm trọng, bệnh thận mạn tính,…
Ảnh: Phẫu thuật cấp cứu một sản phụ bị bệnh lý tiền sản giật
Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình vừa tiếp nhận sản phụ Đỗ Thị S C, 23 tuổi, trú tại Huyện Ý Yên – Nam Định nhập viện trong tình trạng thai 35 tuần con lần 4 – sản giật. Sản phụ C có con lần 4, 3 lần trước sinh thường, khám thai tại phòng khám tư không được đo huyết háp và xét nghiệm trong quá trình mang thai. Ở nhà xuất hiện đau đầu kèm lên cơn co giật vào bệnh viện huyện được xử trí hạ áp, ngáng miệng chuyển Bệnh viện Sản Nhi. Lúc vào tỉnh, đáp ứng chậm, đau đầu nhiều, nhìn mờ, huyết áp 180/120 mmHg, phù toàn thân, kèm theo xét nghiệm Protein nước tiểu 7,1g/l. Sản phụ đã được các bác sỹ trong kíp trực xử trí theo phác đồ điều trị sản giật của Bệnh Viện, được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu. May mắn, cháu bé chào đời trong tình trạng sức khỏe tốt, mẹ sau điều trị 7 ngày được ra viện.
Ảnh: Bác sĩ thăm khám sản phụ sau hậu phẫu lấy thai
Niềm vui ” mẹ tròn con vuông ” sau khi được ra viện Do đó Phụ nữ mang thai, nhất là vào giai đoạn sau của thai kỳ, càng gần lúc sinh thì cần phải đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường và có chế độ thăm khám thai hợp lý. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên thường xuyên kiểm tra huyết áp ngay tại nhà để sớm phát hiện các triệu chứng, từ đó cấp cứu và chữa trị tiền sản giật kịp thời, giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc. Tiền sản giật là 1 trong những biến chứng của thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Tiền sản giật hay gặp ở sản phụ mang thai sau 20 tuần, việc nhận biết các dấu hiệu sớm của tiền sản giật là vô cùng quan trọng để can thiệp kịp thời, bảo đảm sức khỏe cho mẹ và con. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường như phù hai chân, nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ, hoa mắt, tăng cân nhanh, đau vùng thượng vị, tăng huyết áp, nước tiểu sậm màu, thì mẹ bầu cần đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám, xét nghiệm, phát hiện và điều trị tiền sản giật sớm.
Ảnh:Gia đình một bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị tại bệnh viện
Tại bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, thai phụ nghi ngờ tiền sản giật cần được làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: công thức máu, đo chức năng thận, đo chức năng gan, xét nghiệm đông máu, nhóm máu, tổng phân tích nước tiểu… Và một số xét nghiệm thai kỳ như: Đo monitoring sản khoa, siêu âm thai Doppler và theo dõi cử động thai trên máy. Đặc biệt với các thai phụ có nguy cơ cao dễ bị tiền sản giật, có thể xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật ngay trong 3 tháng đầu thai kỳ để phát hiện sớm tiền sản giật. Cách phòng ngừa tiền sản giật hiệu quả Mặc dù đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật trong thai kỳ, nhưng một số nghiên cứu nhỏ cho rằng, việc sử dụng aspirin ở liều thấp và việc bổ sung đủ canxi trong quá trình mang thai có thể hạn chế được nguy cơ tiền sản giật.
Ảnh; Bệnh nhân đang khám và quản lý thai nghén tại Khoa Khám bệnh
Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến tiền sản giật như: mẹ béo phì, có bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, mẹ lớn tuổi hoặc tăng nhiều ký trong thai kỳ,… Chính vì vậy để giảm nguy cơ tiền sản giật, mẹ bầu cần chú ý ăn uống dinh dưỡng vừa đủ các nhóm chất, không ăn quá nhiều các loại thức ăn nhiều tinh bột, nhiều đường, cai thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. Đối với các bà mẹ có cân nặng lớn trước mang thai, nên dùng hạn chế lượng muối trong bữa ăn, ưu tiên ăn các món hấp luộc, hạn chế chiên xào, các loại mắm, ăn uống nhiều trái cây và rau củ. Mẹ bầu nên sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái, thực hiện chăm sóc tốt giai đoạn trước sinh cũng như khám thai định kỳ đúng hẹn để được bác sĩ thăm khám và tư vấn đầy đủ về thai kỳ. Ngoài ra, mẹ bầu cần phải chú ý quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể, nhằm phát hiện sớm và giúp cho quá trình điều trị tiền sản giật hiệu quả. Trên đây là cách phòng ngừa và điều trị tiền sản giật trong quá trình mang thai. Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình hy vọng với những thông tin trên, mẹ bầu có thể chủ động hơn trong dự phòng và điều trị bệnh tiền sản giật khi mang thai.
Tin, ảnh: Bác sĩ Nguyễn Văn Quỳnh – Khoa Sản bệnh