Hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh và một số vấn đề về giữ ấm trẻ trong mùa lạnh
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do lớp mỡ dưới da còn mỏng, cơ chế điều nhiệt kém nên vấn đề giữ ấm cho trẻ trong thời điểm mùa lạnh rất cần được các bà mẹ quan tâm. Tuy nhiên xung quanh vấn đề giữ ấm có rất nhiều câu hỏi mà các bà mẹ thắc mắc không biết hỏi ai như nhiệt độ cơ thể bao nhiêu là bình thường. làm sao để con không bị mất nhiệt, làm sao để giữ ấm cho con. Vì thế hôm nay chúng ta cùng đi làm rõ vấn đề này.
Nhiệt độ trung tâm cơ thể bình thường của trẻ là bao nhiêu và mức nhiệt độ nào được xác định là hạ thân nhiệt?
Nhiệt độ trung tâm cơ thể trẻ bình thường từ 36,5 đến 37,5.
Tổ chức Y tế Thế giới xác định mức độ hạ thân nhiệt nhẹ, trung bình và nặng ở trẻ sơ sinh như sau:
- Nhẹ: nhiệt độ trung tâm cơ thể từ 36 đến 36,4 độ C.
- Trung bình: nhiệt độ trung tâm cơ thể từ 32 đến 35,9C.
- Nặng: nhiệt độ cơ thể dưới 32 độ C.
Trẻ sinh non rất dễ bị ảnh hưởng của hạ thân nhiệt sớm hơn so với trẻ đủ tháng. Tuy vậy, khoảng nhiệt độ cho hạ thân nhiệt nhẹ, trung bình, nặng vẫn chưa được xác định cho trẻ sinh non. Với trẻ sinh cực non (cân nặng khi sinh < 1000 gam) giới hạn dưới của khoảng nhiệt độ được xác định là hạ thân nhiệt nặng bắt đầu từ ≤ 35 độ C.
Hơn nữa, những trẻ trong tình trạng bệnh nặng như nhiễm trùng, suy hô hấp, thiếu oxy hoặc sốc có thể chịu ảnh hưởng của hạ thân nhiệt nhanh hơn và nặng hơn.
Điều quan trọng là nhận biết được sớm những diễn biến nặng có thể và đang xuất hiện trước khi dẫn đến mức độ hạ thân nhiệt nặng.
Hơn nữa, với trẻ sinh non cân nặng thấp, mức thân nhiệt này có thể cao hơn so với những trẻ cùng trang lứa có cân nặng lớn hơn.
Các hình thức đáp ứng với lạnh của trẻ nhỏ
Co mạch – Giảm mất nhiệt
Khi trẻ sơ sinh bị lạnh, mạch máu ở tay và chân co lại. Sự co mạch này ngăn ngừa máu tới bề mặt da đang bị mất nhiệt; máu được giữ lại trong thân người.
Khi co mạch kéo dài, lượng máu và oxy cung cấp cho các mô giảm làm tăng nguy cơ chuyển hóa yếm khí và nhiễm axit lactic, dẫn đến tổn thương các cơ quan và mô.
Chuyển hóa mỡ nâu – Tăng sinh nhiệt
Mỡ nâu là một chất được tích lũy ở trẻ, tăng dần về số lượng theo tuổi thai, đặc biệt tăng nhanh trong giai đoạn cuối của quý ba thai kỳ. Với trẻ sơ sinh đủ tháng, lượng mỡ nâu chiếm khoảng 2 – 7% trọng lượng cơ thể. Lớp mỡ nâu nằm xung quanh thận, tuyến thượng thận, trung thất, dưới xương bả vai, vùng nách và gáy. Khi cơ thể đáp ứng với stress do lạnh, norepinephrin (noradrenalin) được giải phóng ra các đầu mút thần kinh trong lớp mỡ nâu, mỡ nâu trực tiếp bị chuyển hóa và “đốt cháy”.
Khi bị đốt cháy, các tế bào mỡ nâu tạo ra nhiều năng lượng hơn bất kỳ một mô nào khác trong cơ thể! Hoạt động chuyển hóa cao này tạo nhiệt cho những
vùng sâu trong cơ thể và làm ấm máu tuần hoàn đi qua đó. Quá trình sinh
nhiệt này được gọi là “sinh nhiệt không run cơ”.
Tăng hoạt động cơ và co cơ – Tăng sinh nhiệt và giảm mất nhiệt
Khi đáp ứng với stress do lạnh, trẻ sơ sinh không có hoặc có rất ít khả năng run cơ. Thay vào đó, trẻ tăng mức độ các hoạt động như khóc, co gấp chân tay, những hoạt động này tạo ra nhiệt trong cơ. Co gấp chân tay cũng làm giảm mất nhiệt do giảm diện tích bề mặt.
Trẻ suy kiệt, bệnh nặng và sinh non thường bị giảm trương lực cơ và mềm nhũn – nằm duỗi chân tay. Tư thế này làm tăng diện tích bề mặt gây mất nhiệt.
Mất nhiệt qua những đường nào?
Nhiệt độ cơ thể tăng (hay giảm) do 4 cơ chế: dẫn truyền, đối lưu, bay hơi, và bức xạ nhiệt. Mất nhiệt qua dẫn truyền Mất nhiệt do dẫn truyền là nhiệt truyền giữa hai vật thể rắn tiếp xúc với nhau. Ví dụ, cơ thể của trẻ sơ sinh với các vật thể rắn như đệm, cân, hoặc đệm X quang. Chênh lệch nhiệt độ giữa hai bề mặt càng lớn, sự mất nhiệt diễn ra càng nhanh.
Mất nhiệt qua đối lưu
Mất nhiệt do đối lưu xảy ra khi nhiệt của cơ thể trẻ sơ sinh bị truyền đi bằng các dòng khí, chẳng hạn như khi trẻ bị tiếp xúc với luồng gió từ cửa thông gió, máy điều hòa, cửa sổ, cửa ra vào, máy sưởi, quạt, ô cửa sổ lồng ấp mở và sự đi lại quanh giường. Mất nhiệt xảy ra nhanh hơn khi nhiệt độ môi trường lạnh hơn và/hoặc khi vận tốc dòng khí cao hơn.
Mất nhiệt do Bay hơi
Mất nhiệt do bay hơi xảy ra khi nước ẩm ở bề
mặt da hoặc niêm mạc đường hô hấp chuyển
thành hơi. Quá trình bay hơi luôn đi kèm với
ảnh hưởng của môi trường lạnh. Một lần nữa,
môi trường càng lạnh, sự bay hơi diễn ra càng
nhanh. Thông thường, trẻ sơ sinh bị mất nhiệt
do bay hơi ở dạng không nhận thấy, nghĩa là
bay hơi thụ động qua da và hô hấp. Dạng mất nhiệt nhận thấy xảy ra khi mồ hôi bay hơi. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh không đổ mồ hôi.
Mất nhiệt do bức xạ
Mất nhiệt do bức xạ là sự truyền nhiệt giữa các bề mặt rắn không trực tiếp tiếp xúc với nhau. Nhiệt độ da của trẻ sơ sinh thường ấm hơn nhiệt độ các bề mặt xung quanh nên nhiệt sẽ truyền theo hướng từ các phần bộc lộ của cơ thể trẻ tới các bề mặt rắn liền kề.
Các bề mặt này càng mát thì quá trình mất nhiệt xảy ra càng nhanh. Kích thước của hai bề mặt rắn cũng ảnh hưởng tới lượng nhiệt bị mất; do đó, dễ thấy rằng trẻ sơ sinh nhẹ cân có thể mất nhiệt rất nhanh do bức xạ truyền cho tường hoặc cửa sổ to và mát.
Làm sao để tránh mất nhiệt ở trẻ ?
Các biện pháp giúp giảm sự mất nhiệt do dẫn truyền:
Làm ấm các đồ vật trước khi cho tiếp xúc với trẻ, bao gồm (nhưng không giới hạn): đệm, bàn tay của bạn, ống nghe, đệm X-quang và chăn.
Sử dụng vật đệm giữa cơ thể trẻ sơ sinh và bề mặt lạnh. Ví dụ, khi cân trẻ, đặt một khan ấm lên bàn cân, chỉnh kim đồng hồ về số 0 rồi tiến hành cân trẻ.
Quần áo và mũ là những vật cách nhiệt tốt, tuy nhiên, trong thực tế, trẻ sơ sinh mắc
bệnh nặng thường không được mặc. Đội mũ che đầu cho trẻ sơ sinh khi có thể.
Đối với trẻ sinh rất non, đặt một đệm nhiệt hóa học bên dưới trẻ, phủ ga mỏng lên
đệm trước khi cho trẻ nằm.
Các biện pháp giúp giảm sự mất nhiệt do đối lưu:
Luôn dựng đứng các tấm chắn của giường sưởi bức xạ và đóng cửa sổ lồng ấp.
Nếu dự đoán trẻ sẽ sinh non, đặc biệt là trẻ ít hơn hoặc tương đương 28 tuần thai, tăng nhiệt độ phòng đẻ (sinh) lên 26-28 độ.
Việc này sẽ làm giảm chênh lệch nhiệt độ để tránh mất nhiệt. Nói cách
khác là luồng gió ấm ít gây lạnh cho trẻ hơn rất nhiều so với luồng gió lạnh.
Bọc trẻ sinh non bằng màng plastic bọc thực phẩm. Việc sử dụng màng bọc này có thể không có tác dụng đối với trẻ sơ sinh cân nặng trên 1,5 kg.
Khi chuyển trẻ sơ sinh bệnh và/hoặc sinh non từ phòng sinh về phòng sơ sinh, cần đặt trẻ trong lồng ấp kín đã được làm ấm.
Nếu không có lồng ấp, cần quấn trẻ bằng chăn đã được làm ấm trước khi đưa
trẻ qua hành lang gió lùa.
Lồng ấp làm giảm mất nhiệt do đối lưu vì tạo môi trường ấm trog không gian kín. Làm ấm sẵn lồng ấp đến một nhiệt độ môi trường thích hợp trước khi đặt trẻ sơ sinh vào.
Các biện pháp giúp giảm sự mất nhiệt do bay hơi:
Nhanh chóng lau khô cho trẻ bằng chăn hoặc khăn đã làm ấm ngay sau sinh hoặc
sau tắm và bỏ ngay khăn ướt. Đội mũ cho trẻ sau khi đã lau khô hoàn toàn đầu trẻ.
Làn da mỏng và trong mờ của trẻ non tháng là hàng rào ngăn mất nhiệt không hiệu quả. Bọc hoặc quấn trẻ sinh non rất nhẹ cân (dưới 1500 gam) từ cổ đến chân bằng màng polyethylene(plastic) ngay sau sinh để làm giảm mất nhiệt do bay hơi và đối lưu. Theo dõi chặt nhiệt độ để ngăn ngừa tăng thân nhiệt và không để màng plastic che mặt của trẻ.
Tăng nhiệt độ phòng để giảm chênh lệch nhiệt độ môi trường không khí.
Luồng khí mạnh thổi qua trẻ sơ sinh sẽ làm tăng mất nhiệt do bay hơi, do vậy cần giảm thiểu hoặc loại bỏ nguồn khí này.
Làm ấm và làm ẩm khí oxy càng sớm càng tốt.
Nếu có thể, cẩn thận làm ấm các dung dịch tiếp xúc với da trẻ sơ sinh. Ví dụ, khi đặt catheter tĩnh mạch rốn, cần làm ấm dung dịch sát khuẩn trước khi bôi
lên da (luôn giữ dung dịch vô khuẩn). Phải cẩn thận, không để dung dịch nóng quá mức có thể gây bỏng cho trẻ.
Các biện pháp giúp giảm sự mất nhiệt do bức xạ:
Đặt trẻ nằm xa các cửa sổ hoặc tường lạnh.
Sử dụng rèm giữ nhiệt che các cửa sổ.
Che phủ lồng ấp để cách ly lồng ấp với tường lạnh hoặc cửa sổ.
Sử dụng lồng ấp hai lớp để lớp phía trong ấm hơn được gần sát với trẻ.
Bệnh viện Sản – Nhi Tỉnh Ninh Bình