Truyền thông giáo dục sức khỏe phòng động vật cắn cho trẻ em

 Gần đây trên thông tin đại chúng có rất nhiều tin tức liên quan đến động vật cắn trẻ em, đặc biệt là trường hợp một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó Ngao Tây Tạng cắn gây tử vong. Tại bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, chúng tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp bị động vật cắn, hay gặp nhất là do chó cắn, ngoài ra còn gặp trẻ bị cắn do mèo, khỉ…Nhiều trường hợp để lại những di chứng mà sẽ ảnh hưởng đến đời sống tương lai các bé sau này. Bệnh viện có tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 3 tuổi bị chó cắn rất thương tâm. Gia đình cháu mới mua một con chó cảnh to khoảng 40kg, khi mẹ cho chó đang nhốt trong chuồng ăn thì nó phóng ra ngoài lao vào nhà cắn cháu đang nằm ngủ trên giường. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có 4 – 5 vết thương lớn > 10 cm ở đầu gây lóc da rộng và nhiều vết thương từ 1 – 5 cm ở vùng lưng và bụng. Bệnh nhân đã được chuyển lên phẫu thuật: rửa, cắt lọc, khâu vết thương ngay, thời gian xử trí vết thương cho cháu mất gần 2h. Tuy nhiên do vết thương vùng đầu quá rộng, máu nuôi dưỡng kém nên có một vạt da lớn bị hoại tử, bệnh nhân đã phải chuyển lên tuyến trên để có biện pháp kỹ thuật cao để xử lý vạt da hoại tử. Gia đình đã rất tốn kém về tiền bạc mà sau này chắc chắn cháu cũng có di chứng về thẩm mỹ. Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp rất nhiều trường thương tâm khác, các cháu hay bị cắn vào vùng mặt, có cháu bị cắn vào bộ phận sinh dục, tay chân…

 Chúng tôi xin khuyến cáo, chó mèo tuy là động vật gần gũi với con người nhưng bản năng hoang dã khiến chúng có những phản ứng rất quyết liệt trong giai đoạn đang ăn, ngủ và nuôi con…Đặc biệt do chó có chiều cao gần tương đương với trẻ nên những vết thương do chó cắn đa số hay gặp ở vùng đầu mặt. Bộ răng của chúng có cấu tạo thích hợp với việc ăn thịt nên vết cắn sẽ xé rách nham nhở gây khuyết hổng nhiều da cơ gây khó khăn cho việc phẫu thuật và khó đạt thẩm mỹ sau này. Hơn nữa móng vuốt của chó rất bẩn nên nguy cơ nhiễm trùng cao, đặc biệt là vi khuẩn uốn ván. Gia đình có trẻ bị động vật cắn nói chung cần đến trung tâm y tế để được tư vấn phòng dại và uốn ván.

(Hình ảnh của bệnh nhân nhi bị chó cắn)

 Qua những vấn đề nêu trên chúng tôi xin khẳng định: việc phòng ngừa tai nạn do động vật cắn nói chung, chó cắn nói riêng là rất quan trọng. các động vật nuôi cần có chuồng, lồng nuôi hoặc xích lại ở nơi xa khu vực trẻ vui chơi, chó nuôi khi thả rông cần đeo rọ mõm. Động vật nuôi cần được tiêm phòng đầy đủ. Khi trẻ bị động vật cắn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí sớm.

Trần Văn Toản – Khoa ngoại nhi BVSN Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *