Chủ quan dùng thuốc lấy đi tương lai của con bạn

Do sức đề kháng còn yếu nên trẻ nhỏ thường mắc các bệnh lý như: viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa…do đó, đây là đối tượng thường xuyên phải dùng thuốc.

( Ảnh minh họa)

   Tuy nhiên, có một thực tế là tình trạng  ngộ độc thuốc ở trẻ em đang xảy ra với mức độ ngày càng phức tạp. Hàng năm, tại các cơ sở y tế có rất nhiều các trường hợp trẻ em phải cấp cứu, thậm chí tử vong do ngộ độc các loại thuốc thông thường như: thuốc hạ sốt, thuốc an thần, thuốc sổ mũi….Riêng tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi năm 2018 có hàng trăm trẻ ngộ độc thuốc nhập viện và trong nửa tháng đầu năm 2019 đã có 3 trường hợp. Có nhiều nguyên nhân gây nên tai nạn ngộ độc thuốc ở trẻ, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết, thậm chí là cách sử dụng thuốc một cách liều lĩnh của các bậc phụ huynh. Ví dụ như, có những ca ngộ độc thuốc hạ sốt do gia đình cho trẻ dùng thuốc quá liều hoặc ca suy thượng thận cấp do gia đình tự ý lặp lại đơn thuốc có chứa thành phần Corticoide và trường hợp gần đây nhất là do sự bất cẩn của gia đình nên trẻ bị hôn mê do uống phải thuốc giãn cơ của ông…  Từ sự chủ quan, thiếu kiến thức, hiểu biết trong việc bảo quản thuốc và cho trẻ dùng thuốc không đúng hướng dẫn của phụ huynh đã dẫn đến nhiều vụ ngộ độc nguy hiểm đến cả tính mạng của trẻ. Còn nếu ngộ độc xảy ra ở mức nhẹ thì cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng các cơ quan trong cơ thể…  Vì thế, việc cung cấp cho các bậc cha mẹ những kiến thức nhất định về tai nạn ngộ độc thuốc ở trẻ em là một vấn đề cần thiết, cấp bách. Sau đây, chúng tôi lưu ý đến phụ huynh những dấu hiệu ban đầu thường gặp, nguyên nhân và cách xử trí ban đầu khi trẻ nhỏ bị ngộ độc thuốc:

 Nguyên nhân của ngộ độc thuốc ở trẻ em

  • Do cha mẹ dùng sai thuốc, dùng quá liều, do pha thuốc không đúng như: uống quá liều thuốc hạ sốt paracetamol, pha orezol không đúng lượng nước qui định, dùng loperemide( chế phẩm của thuốc phiện ) để cầm tiêu chảy cho trẻ. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do các bậc cha mẹ tự mua thuốc cho con uống, không đi khám bệnh.
  • Do chủ quan để thuốc ở nơi trẻ có thể với tới, dẫn tới trẻ uống thuốc sai và quá liều.
  • Một số trẻ lớn hơn có thể xảy ra tình trạng cố ý ngộ độc thuốc do ở lứa tuổi này trẻ thường rất nhạy cảm với sự trách phạt của người lớn.

  Các dấu hiệu ban đầu thường gặp

Tùy theo tường loại thuốc mà có các dấu hiệu, triệu chứng cũng như các hậu quả khác nhau. Sau đây là một số dấu hiệu hay gặp.

  • Dấu hiệu ở hệ tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy..
  • Dấu hiệu ở hệ hô hấp: ho, thở nhanh, tím môi, khó thở.
  • Dấu hiệu ở hệ thần kinh: ngủ gà, lơ mơ, hôn mê, run cơ, co giật, liệt.

Ngoài các dấu hiệu bất thường của trẻ, để phát hiện sớm tình trạng ngộ độc của trẻ các bậc cha mẹ cần:

  • Quan sát xung quanh xem có vỏ thuốc, vỉ thuốc không?
  • Kiểm tra thuốc của gia đình xem có thiếu thuốc về số lượng không?

Làm gì khi phát hiện trẻ bị ngộ độc thuốc?

 Việc việc xử lý ban đầu ngay sau khi xác định trẻ bị ngộ độc thuốc là rất quan trọng, giúp cải thiện tình trạng nặng, giảm ảnh hưởng có hại ở các cơ quan bộ phận. Tuy nhiên việc xử lý ban đầu phải đúng và tùy tình huống, tình trạng của trẻ. Sau đây là một số thông tin xử lý ban đầu cần thiết cơ bản:

  • Nếu trẻ lớn, tỉnh táo có thể gây nôn hoặc uống nước, uống sữa, than hoạt. Tuyệt đối không gây nôn trong trường hợp trẻ hôn mê, đang co giật, hoặc ngộ độc các chất bay hơi, các hóa chất acid, bazo
  • Nếu trẻ nhỏ hoặc hôn mê nên cho trẻ nằm nghiêng đầu để tránh khi trẻ nôn sẽ gây sặc vào đường hô hấp.
  • Các trường hợp trẻ bị ngộ độc ngoài da cần nhanh chóng rửa bằng nước.
  • Tất cả các trường hợp ngộ độc cần liên hệ ngay với bác sỹ để được hướng dẫn xử lý, sau đó chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Khi chuyển trẻ tới cơ sở y tế gia đình cần mang theo thuốc nghi ngờ bị ngộ độc( vỉ, lọ thuốc) vì biết trẻ uống loại thuốc gì, số lượng bao nhiêu sẽ giúp các bác sỹ chẩn đoán, điều trị và tiên lượng đúng, kịp thời.

Làm gì để ngăn ngừa trẻ ngộ độc thuốc ?

  • Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống, không dùng lại đơn thuốc của lần khám trước hay dùng đơn của trẻ khác. Tuyệt đối thực hiện “ CHỈ CHO TRẺ UỐNG THUỐC KHI CÓ HƯỚNG DẪN CỦA BÁC SỸ”
  • Thuốc phải được bảo quản ở nơi ngoài tầm tay và tầm nhìn của trẻ, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng.
  • Không nên uống thuốc trước mặt trẻ vì trẻ hay có thói quen học theo.
  • Các bà mẹ khi đi khám bệnh cần thông báo cho bác sỹ trước khi kê đơn tình trạng đang cho con bú để bác sỹ kê thuốc phù hợp và hướng dẫn nhằm tránh trẻ ngộ độc thuốc qua sữa.
  • Ban giao thuốc trẻ đang sử dụng cho người chăm trẻ phải cụ thể, đầy đủ về tên thuốc, thời gian dùng, liều lượng dùng mỗi lần và số lần trong ngày.

 Bs TK Cấp cứu

Đinh Thanh Bình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *