Đuối nước ! Đe dọa tính mạng trẻ thơ
Một tai nạn đuối nước đã suýt cướp đi sinh mạng của cháu P.T. Dũng (16 tháng tuổi, quê Yên Thịnh, Yên mô, Ninh Bình). Trước đó, cháu chơi cùng Bà ở ngoài sân, gần ao nước của gia đình, trong lúc Bà vào nhà lấy đồ, thiếu quan sát. Khi quay ra thì không thấy cháu đâu, sau khoảng 5 phút tìm kiếm, gia đình phát hiện cháu nổi dưới ao, ngay lập tức cháu bé được đưa lên bờ và sau khi thực hiện các động tác sơ cứu, trẻ được đưa tới bệnh viện huyện Yên Mô.
Ảnh minh họa
Trẻ nhập khoa Cấp cứu bệnh viện huyện Yên Mô trong tình trạng da lạnh, tím tái. Trẻ đã được đặt nội khí quản, ép tim ngoài lồng ngực. Sau đó ngay lập tức trẻ được chuyển lên khoa Cấp cứu hồi sức bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình. Tại đây trẻ đã được hồi sức tích cực bằng thở máy, sử dụng thuốc chống phù não, kháng sinh chống viêm phổi, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện hơn, bé hồng hào và đã có nhiều nhịp tự thở.
Đây là một trong những trường hợp bị đuối nước rất nặng, nhưng đã may mắn thoát chết, không bị di chứng nhờ được sơ cứu kịp thời tại hiện trường, tận dụng được “thời gian vàng” (3 đến 5 phút đầu), kết hợp sự hồi sức tích cực của các y bác sỹ cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại.
Đuối nước là tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ, các trường hợp đuối nước thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng, trẻ nghỉ học ở nhà nên thường rủ nhau đi tắm ao, hồ, sống suối hoặc có thể đuối nước ngay tại nhà bởi những xô chậu đựng nước, bể tắm, ao nước, mà chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 5 ca đuối nước trẻ em, trong đó có ca tử vong từ trước khi đến viện.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh:
– Tuyệt đối không để trẻ nhỏ một mình ở nhà; đậy kín các vật chứa nước trong nhà như, bồn tắm, thùng nước, chậu nước, xả hết nước trong bồn tắm khi không sử dụng, xây cao hoặc rào bờ ao, bờ giếng.
– Không cho trẻ chơi đùa gần ao, hồ, sông, rạch, giếng, đặc biệt vào thời điểm mùa lũ nước lớn.
– Cho trẻ học bơi và có các biện pháp an toàn khi bơi lội như mặc áo phao.
– Giám sát kỹ trẻ khi tắm ở hồ bơi, tắm biển; không cho trẻ bơi ở những nơi không biết rõ độ sâu như đầm, ao, hồ.
Sơ cứu đuối nước đúng, kịp thời giảm thiểu tử vong và di chứng.
Sơ cứu ban đầu đúng là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự sống còn và di chứng não sau này. Khi gặp người đuối nước, người tham gia sơ cứu cần:
Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi mặt nước. Nếu bệnh nhân còn tỉnh
giãy giụa dưới nước có thể ném cho nạn nhân một cái phao, cái sào hoặc sợi dây giúp nạn nhân lên bờ, không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cứu hộ, vì nạn nhân trong cơn hoảng loạn sẽ níu chặn lấy người cứu.
– Nếu nạn nhân không còn tỉnh, người cứu nạn có thể trực tiếp xuống cứu nạn nhân ( nếu biết bơi), hoặc gọi người hỗ trợ hoặc đi thuyền ( nếu không biết bơi). Khi đưa nạn nhân vào bờ, phải luôn giữ đầu nạn nhân trên mặt nước.
-Ngay khi đưa vào bờ, đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng ,nơi thoáng khí. Nếu nạn nhân tím tái, không tự thở (lồng ngực không chuyển động), tim ngừng đập (áp tai vào ngực nghe hoặc bắt mạch) thì tiến hành: cho đầu nằm nghiêng sang một bên, mút sạch mũi miệng, ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim với thổi ngạt (hít một hơi sâu rồi ngậm miệng vào miệng và mũi của nạn nhân rồi thổi từ từ) theo tỉ lệ 30 lần ấn tim 2 lần thổi ngạt.
Ảnh minh họa
– Trong quá trình ấn tim và thổi ngạt, cần đánh giá tình trạng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không có nhịp thở trở lại thì cần tiếp tục duy trì ấn tim và thổi ngạt trên đường vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.Nếu nạn nhân có nhịp tự thở, môi hồng, thì đặt nằm nghiêng, cởi bỏ quần áo ướt, lau khô người và mặc quần áo khô, giữ ấm cho nạn nhân. Luôn nhớ rằng dù bệnh nhân có cải thiện như thế nào thì nhất định vẫn phải đưa đến cơ sở y tế vì tình trạng nặng vẫn có thể tiếp diễn sau đó, thậm trí là sau vài ngày.
-Tránh việc dốc ngược nạn nhân chạy, đây là việc làm không cần thiết và còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt, tăng nguy cơ hít sặc vào phổi.
Bs Đinh Thanh Bình – Khoa Cấp Cứu
Bệnh viện Sản- nhi tỉnh Ninh Bình