Một số lưu ý khi chỉ định thuốc trong thai kỳ
Việc sử dụng thuốc trong thai kỳ nên được tránh nếu có thể, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Khi phải sử dụng thuốc trong thời kỳ này nên cân nhắc đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ. Nên chọn lựa một loại thuốc với dữ liệu an toàn nhất hơn là một loại thuốc mới, trừ khi sự an toàn của thuốc mới đã được thiết lập rõ ràng.
Không thể chắc chắn rằng bất kỳ thuốc nào là “an toàn” trong thai kỳ vì đó là điều phi đạo đức khi tiến hành các thử nghiệm giả dược ngẫu nhiên có đối chứng (không điều trị các tình trạng bệnh lý ở nhóm dùng giả dược và cố tình cho phơi nhiễm với chất có tiềm năng gây quái thai ở nhóm điều trị) để chứng minh điều này. Do đó, các dữ liệu sẵn có để hỗ trợ cho việc kê đơn trong thai kỳ thường hạn chế về số lượng và chất lượng
(Ảnh minh họa)
Ở Ninh Bình cũng như nhiều tỉnh thành khác tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc nhằm mục đích an toàn, hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý. Ninh Bình là một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược, phía cuối của miền bắc tiếp giáp với miền trung. Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình được thành lập vào tháng 4/2010, hiện nay Bệnh viện đang được xếp hạng là một bệnh viện hạng II với quy mô 440 giường bệnh với số giường thực kê là trên 800 giường. Với đặc thù là một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của tỉnh với hai chuyên ngành là Sản phụ và Nhi khoa, hàng năm bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn lượt sản phụ không chỉ trên địa bàn tỉnh đến khám và điều trị tại bệnh viện mà còn đón nhận các bệnh nhân ở các tỉnh lân cận như Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa…mỗi năm bệnh viện đón khoảng 10.000 trẻ sinh ra.
Đến với Bệnh viện Sản Nhi, các thai phụ sẽ được bác sĩ thăm khám, tư vấn làm các xét nghiệm và giải thích cụ thể về tình trạng của thai phụ. Khi đến viện các sản phụ sẽ được các Bác sỹ thăm khám cẩn thận, tỷ mỉ như đo chiều cao, cân nặng, huyết áp đến các xét nghiệm cận lâm sàng như: công thức máu, sinh hóa, nước tiểu, siêu âm thai…hay các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như: Double test, trip test… Nếu phát hiện thấy có gì bất thường các bác sỹ sẽ tư vấn cho thai phụ làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán chính xác, cụ thể tình trạng của bệnh nhân. Các bác sỹ sẽ giải thích cụ thể tình trạng cho thai phụ cũng như người nhà bệnh nhân đồng thời tư vấn cho các sản phụ sử dụng loại thuốc phù hợp trong thời kỳ mang thai, hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc.
Một số lưu ý khi chỉ định thuốc trong thai kỳ là đối với thuốc có bản chất là gây hại cho thai nhi thì dùng với liều lượng rất nhỏ và vào thời kỳ không nhạy cảm của thai nhi, vẫn có khả năng gây hại cho thai. Thuốc không chỉ ảnh hưởng tới thai nhi, mà có thể ảnh hưởng tới đứa trẻ sau khi chào đời. Một số thuốc có lợi và nên dùng cho phụ nữ có thai như vitamin hỗn hợp (Obimin, Procare, sắt, acid folic…). Khi bị các bệnh thông thường, cần hạn chế tối đa việc dùng thuốc. Có thể thay thế bằng các bài thuốc dân gian. Khi bị đau đầu nên thư giãn, xoa bóp còn nếu bị táo bón nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả tươi… Cảm cúm có thể ăn tỏi, uống vitamin C hoặc ăn hoa quả như cam, bưởi…
Về đặc tính của thuốc thì một loại thuốc không cần phải đi qua nhau thai mới gây độc cho bào thai. Ví dụ, bất kỳ loại thuốc gây co mạch ở mạch máu nhau thai có thể gây hại cho thai nhi. Khoảng 99% các thuốc qua nhau thai chủ yếu bằng cách khuếch tán đơn giản. Mức độ các chất đi qua nhau thai phụ thuộc vào kích thước phân tử, sự ion hóa, gắn kết với protein và độ tan trong lipid. Chất không ion hóa và tan trong lipid sẽ qua được nhau thai nhiều hơn những chất phân cực, ion hóa và ưa nước (ví dụ như Labetalol ưa lipid sẽ có thể đi qua nhau thai nhiều hơn Atenolol ưa nước). Thuốc có trọng lượng phân tử cao không qua được nhau thai (Insulin, Heparin).
Các tác hại tiềm tàng có thể xảy ra: Mặc dù dị tật thai nhi là kết cục bất lợi nhất mà các thuốc gây ra, thuốc còn có thể gây ra những ảnh hưởng khác sau đây: Sẩy thai tự phát (Isotretinoin). Chậm phát triển trong tử cung (Nhiều loại thuốc có thể gây ra ảnh hưởng này mặc dù có thể kết hợp với các yếu tố khác). Sinh non (Warfarin). Thai lưu (Warfarin). Biến chứng sản khoa (NSAID có thể gây xuất huyết quá mức ở mẹ). Tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh (Ức chế thần kinh trung ương do thuốc an thần). Phản ứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh (Opioid hoặc Benzodiazepine). Suy yếu thần kinh (Phenytoin, Natri valproate). Ung thư (ung thư cổ tử cung do Stilboestrol).
Dược động học của thuốc sẽ thay đổi ở người mẹ. Giảm nồng độ albumin huyết thanh có thể dẫn đến tăng nồng độ dạng tự do của một số loại thuốc gắn kết với protein (Phenytoin, Diazepam). Tăng chức năng thận có thể ảnh hưởng đến sự thải trừ thuốc qua thận (Ampicillin, Gentamicin).
Điều quan trọng cần lưu ý rằng một số các thông số này sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại mức trước khi mang thai và sự điều chỉnh liều có thể cần thiết ngay sau khi sinh. Ví dụ những thay đổi trong chuyển hóa thuốc nên liều Lamotrigine phải được tăng lên đáng kể khi mang thai nhưng sự chuyển hóa này lại nhanh chóng trở lại bình thường sau sinh. Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ và giảm liều để tránh ngộ độc.
Tất cả phụ nữ nên bổ sung folate từ khi dự định mang thai và trong 12 tuần đầu thai kỳ để giảm nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi. Hầu hết phụ nữ nên dùng 400 microgram mỗi ngày. Riêng những người dùng thuốc chống động kinh, những người dùng Proguanil dự phòng sốt rét và những người trước đây có con dị tật ống thần kinh sử dụng 5mg mỗi ngày. Tăng cường theo dõi các bệnh mãn tính trong thời gian mang thai.
Các bà mẹ có thể không tuân thủ dùng thuốc nếu họ nghĩ rằng thuốc có nguy cơ gây hại cho thai nhi. Điều quan trọng là phải tư vấn giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc điều trị. Khi tư vấn về một loại thuốc trong thời kỳ mang thai, đừng quên lưu ý những chống chỉ định và thận trọng (Ví dụ như tránh chỉ định Labetalol trị tăng huyết áp khi có kèm hen suyễn).
Cách để giảm nguy cơ như xem xét các phương pháp điều trị không dùng thuốc và chỉ chỉ định thuốc khi cần thiết; lưu ý các giai đoạn thai kỳ và nếu có thể, tránh tất cả các loại thuốc trong tam cá nguyệt thứ nhất; không sử dụng các loại thuốc được biết là gây quái thai trên người, trừ khi hoàn toàn không thể tránh khỏi; tránh các loại thuốc mới vì thường có rất ít thông tin về chúng trong thời kỳ mang thai; tránh kê đơn nhiều thuốc; trong trường hợp cần thiết, sử dụng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả trong khoảng thời gian nhất ngắn nhất có thể.
DS. Đinh Thị Đương – Khoa Dược
Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình