Sốc phản vệ ! Sự cố Y khoa không mong muốn
Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị. Trong đó phản vệ là sự cố y khoa đáng sợ nhất, gây hoang mang cho không chỉ người nhà người bệnh mà còn cho cả các Y, Bác sĩ điều trị. Theo một số nghiên cứu thống kê thì tỷ lệ sốc phản vệ ở Châu Âu là 4 – 5 trường hợp/10.000 dân, ở Mỹ là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê, song thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ.
( Ảnh minh họa )
Vậy sốc phản vệ là gì?
Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng
Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong một vài phút. Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao, vì vậy việc hiểu rõ nguyên nhân, biểu hiện, cách xử trí sẽ giúp hạn chế nguy cơ xảy ra sốc phản vệ và việc xử trí sẽ kịp thời, chính xác hơn.
( Ảnh minh họa )
Nguyên nhân gây sốc phản vệ
Có rất nhiêu nguyên nhân gây ra sốc phản vệ. Thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay bôi ngoài da…đều có thể gây sốc phản vệ, dù nhân viên y tế có thực hiện đúng tất cả các quy trình dùng thuốc thì tình trạng sốc phản vệ vẫn có thể xảy ra. Vì sốc phản vệ thường xảy ra ở những cơ thể có “ cơ địa dị ứng”, nghĩa là với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, thì sốc phản vệ có thể xẩy ra ở người này nhưng chưa chắc đã xảy ra ở người khác.
Cơ địa là đặc tính cơ thể của từng người, đây là yếu tố người thầy thuốc điều trị không thể xác định, tiên đoán được và vì thế tất cả các thuốc đều có
thể gây ra sốc phản vệ, hay gặp hơn là các thuốc kháng sinh, thuốc gây tê, gây mê, thuốc cản quang.
Ngoài nguyên nhân thuốc, thì các nguyên nhân gây sốc phản vệ do thực phẩm, nọc độc côn trùng cùng hay gặp. Như tại bệnh viện Bạch mai đã từng tiếp nhận bệnh nhân nữ 20 tuổi bị sốc phản vệ do ăn dọc mùng hoặc trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Trang, 58 tuổi nhập viện Thủy Điển – Uông Bí, Quảng Ninh trong tình trạng sốc phản vệ sau ăn trứng kiến hay một trường hợp khác hiếm gặp hơn đó là một bệnh nhân người Anh 15 tuổi có tiền sử dị ứng phô mai và đã bị sốc phản vệ khi bị bạn ném phô mai vào người.
Tại bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốc phản vệ do nhiều nguyên nhân khác nhau như: phản vệ do ăn canh cáy, phản vệ do thuốc hạ sốt, phản vệ sau khi bị ong đốt..
( Ảnh minh họa )
Biểu hiện của sốc phản vệ được chia làm 4 mức độ
Mức độ nhẹ ( độ I): Người bệnh có những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nổi mề đay, mẩn ngứa, phù Quinke.
Mức độ nặng (độ II): Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan
Mày đay, phù Quinke.
Khó thở, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
Nhịp tim nhanh, loạn nhịp.
Mức độ nguy kịch (độ III): Các triệu chứng xuất hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như:
Khó thở, thở rít, tím tái.
Rối loạn ý thức, vật vã, hôn mê, co giật, đái ỉa không tự chủ.
Mạch nhanh, huyết áp tụt, da lạnh, nổi vân tím
Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Phòng tránh sốc phản vệ bằng cách nào?
Sốc phản vệ xuất hiện đột ngột, diễn biến nhanh, tỷ lệ cứu sống thấp vì thế việc phòng tránh sốc trở nên rất quan trọng và cần thiết. Để hạn chế tối đa các trường hợp sốc phản vệ chúng ta cần:
Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác.
Không phải thử phản ứng cho tất cả các thuốc trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ. Theo thông tư 51/2017 của Bộ Y Tế qui định: Chỉ thử test da trước khi sử dụng thuốc nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc đó hoặc người bệnh có tiền sử phản vệ với nhiều dị nguyên khác nhau.
Khi đi khám bệnh, luôn thông báo với bác sĩ kê đơn nếu bản thân người bệnh có tiền sử dị ứng để bác sĩ có những chỉ định thuốc, can thiệp y khoa phù hợp.
Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi, mẩn ngứa, buồn nôn, khó thở…hãy nói ngay với bác sĩ đề có những xử trí kịp thời.
Những người có cơ địa dị ứng nên hết sức cẩn thận khi sử dụng các thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như: sứa, nhộng, tôm cua….
Chỉ tiêm, truyền thuốc tại các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ.
BS Đinh Thanh Bình
Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình