Bài truyền thông về tiền sản giật

Tiền sản giật (hay còn gọi là hội chứng nhiễm độc thai nghén) chính là yếu tố hàng đầu dẫn đến nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non… thậm chí đe dọa đến sự sống còn của mẹ và con.Tiền sản giật, sản giật là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai với tỉ lệ từ 2% – 8%. Triệu chứng thường gặp là phù, huyết áp tăng và protein niệu .Nhiều chuyên gia giải thích, tiền sản giật là một chứng bệnh nghiêm trọng trong thời kỳ thai nghén, thường gặp nhất ở ba tháng cuối thai kỳ, tần suất hay gặp vào mùa đông xuân, khi khí hậu trở lạnh.

Mới đây, ngày 19/11/2018 bệnh viện Sản nhi Ninh Bình vừa tiếp nhận sản phụ Vũ Mai Linh, 23 tuổi, trú tại phường Nam Bình, TP Ninh Bình nhập viện trong tình trạng thai lần 1, tiền sản giật nặng. Huyết áp khi vào 180/100 mmHg, phù toàn thân, kèm theo xét nghiệm Protein nước tiểu 7,1g/l. Sản phụ đã được các bác sỹ trong kíp trực xử trí theo phác đồ điều trị tiền sản giật của bệnh viện, được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu. May mắn, cháu bé chào đời trong tình trạng sức khỏe tốt.

Ảnh minh họa

Sản phụ Linh là minh chứng rõ nét rằng Tiền sản giật là một chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với bà mẹ trong thời kỳ mang thai

Do đó, các bà mẹ mang thai nên khám thai định kì để theo dõi có bị tiền sản giật không. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể trở thành sản giật gây nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và bé.

Yếu tố nguy cơ liên quan đến tiền sản giật

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tai biến tiền sản giật, song, các chuyên gia đầu ngành có thể dẫn ra một vài những căn nguyên dễ nhận thấy như:

– Thai phụ mang đa thai

– Mang thai con đầu lòng

– Bà bầu lớn tuổi (hơn 40 tuổi)

– Có tiền sử tăng huyết áp trước đó (tăng huyết áp vô căn)

– Bị đái tháo đường hoặc bệnh lý thận trước đó

– Thai kì trước đây bị tiền sản giật

– Tiền sản giật có vẻ liên quan đến di truyền và có tiền sử gia đình

– Bà bầu thiếu dinh dưỡng

– Bệnh lý răng miệng cũng được cho là có liên quan

– Thừa cân hoặc béo phì trong thai kì…

Tiền sản giật chính là yếu tố dẫn đến đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non.

Dấu hiệu nhận biết tiền sản giật

Khi bị tiền sản giật, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:

– Vào tuần thứ 20 của thai kỳ, huyết áp đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg.

– Thừa đạm trong nước tiểu > 0,3g/l.

– Sưng phù – thường rõ ở bàn tay, chân và bàn chân.

– Thay đổi trong tầm nhìn, bao gồm giảm tạm thời của thị giác, mờ mắt hoặc ánh sáng nhạy cảm

– Tăng cân đột ngột (trến 2kg/tuần)

– Đau dữ dội ở vùng bụng trên

– Đau đầu dai dẳng kèm buồn nôn, nôn mửa.

Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên đến thai phụ, khi thấy trên cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu bất thường nêu trên, cần yêu cầu người nhà đưa đến gặp bác sĩ sớm để có phương án can thiệp kịp thời, đảm bảo tính mạng mẹ và thai nhi.

Chuyên gia khuyến cáo phòng tai biến tiền sản giật

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn vì sao tiền sản giật phổ biến đến vậy. Do đó việc ngăn chặn và điều trị là hết sức khó khăn.

Vì vậy việc phòng tránh tiền sản giật cần được quan tâm chú ý ngay từ khi người mẹ bắt đầu trong giai đoạn thai kỳ:

Để phòng ngừa tiền sản giật khi mang thai, các chị em nên đến các bệnh viện, trung tâm y tế để khám thai thường xuyên. Đặc biệt cần phải tuân thủ đúng lịch hẹn khám thai để đo tình trạng huyết áp, chất đạm trong nước tiểu nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.

Những chị em có con muộn (ngoài 35 – 36 tuổi), trước khi mang thai từng bị cao huyết áp, hoặc trong gia đình có người từng mắc tiền sản giật thì cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn kỹ càng.

Bên cạnh đó, các chị em cần nhận thức được những triệu chứng của tiền sản giật để nhanh chóng thông báo với bác sĩ và được điều trị càng sớm càng tốt. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì cả mẹ và bé có thể bị đột quỵ, phù phổi cấp, hôn mê sâu và nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong do biến chứng sản giật gây ra.

Bên cạnh đó, bà bầu nên đến các trung tâm dinh dưỡng để các bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khỏe cho lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lí nhất.

Ngoài ra, trong thời gian mang thai, các chị em cũng nên sắp xếp công việc khoa học, có đủ thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và giữ tinh thần thật thoải mái, khỏe mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *