Sơ cứu ban đầu trẻ bị đuối nước
Cách cấp cứu trẻ đuối nước:
Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Cho trẻ nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo Đặt trẻ nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi.
Người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho trẻ, sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (ép tim 15 lần rồi thổi ngạt 2 lần), hoặc 30/2 nếu có 2 người thực hiện.
Bước 4: Sau khi trẻ tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.
Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, trẻ bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem trẻ có bị phù phổi cấp không.
“Cần lau khô người trẻ, thay quần áo và ủ ấm, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lí các bước tiếp theo.
( Hồi sinh tim phổi trên mô hình )
( Hô hấp nhân tạo trên mô hình )
Những điều không nên làm khi phát hiện trẻ bị đuối nước?
Dân gian có nhiều phương pháp sơ cứu như sốc nước (dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy quanh), lăn lu, dùng miệng để cố hút hết nước trong miệng trẻ ra ngoài…
Những cách này có thể vô tình làm mất thời gian vàng, trẻ không được sơ cứu tim phổi kịp thời mà còn thêm tổn hại vì tác động không đúng cách.
Để phòng tránh đuối nước ở trẻ, học sinh cần được dạy bơi lội và kỹ thuật sơ cấp cứu để biết tự cứu mình cứu bạn khi bị đuối nước. Bể nước, cống rãnh, miệng giếng… phải có nắp đậy an toàn. Nếu học sinh đi học miền sông nước bằng ghe, thuyền thì cần phải có đồ dùng bảo hộ như phao cứu sinh và có người lớn đi kèm.
Bác sỹ Trương Công Thành Khoa Cấp Cứu nhi
Bệnh Viện Sản – Nhi Ninh Bình