Quản lý chất thải y tế đúng quy định góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp

Xây dựng môi trường trong cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp đem lại lợi ích thiết thực, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong bệnh viện và tạo môi trường trong lành giúp người bệnh hồi phục sức khỏe, giảm căng thẳng cho người bệnh và nhân viên y tế. Môi trường xanh – sạch – đẹp là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng cơ sở y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Những yêu cầu tối thiểu đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến thăm.

– Hiểu đúng các loại chất thải phát sinh trong bệnh viện

– Thực hiện phân loại và bỏ chất thải đúng nơi quy định

– Giữ gìn vệ sinh chung

Kiến thức về phân loại chất thải y tế phát sinh trong bệnh viện

Chất thải thông thường: Phát sinh trong quá trình sinh hoạt của người bệnh, người nhà người bệnh, các chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của nhân viên y tế không dính các thành phần nguy hại.

Chất thải lây nhiễm: Bao gồm chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, chất thải giải phẫu,…

– Chất thải lây nhiễm sắc nhọn: Bao gồm các loại chất thải lây nhiễm dính, chứa dịch sinh học của cơ thể đồng thời có khả năng tạo thành vết cắt, đâm xuyên da như kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, mảnh vỡ thủy tinh, lưỡi dao mổ, đinh mổ,…

– Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn: Bao gồm các loại chất thải phát sinh trong quá trình chăm sóc, điều trị có dính, chứa dịch sinh học của cơ thể hoặc các chất thải phát sinh từ khu điều trị cách ly.

– Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: Là các chất thải phát sinh từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp II trở lên bao gồm các bệnh phẩm, mẫu bệnh phẩm thải bỏ, các dụng cụ đựng hoặc dính bệnh phẩm,…

Chất thải nguy hại không lây nhiễm: Bao gồm các chất thải hóa học như dược phẩm thải bỏ, hóa chất gây độc tế bào, các kim loại nặng như thủy ngân, almagam hàn răng,…

Kiến thức về thu gom chất thải y tế

Phải phân loại ngay chất thải tại nơi phát sinh

Người nào làm phát sinh chất thải, người đó phải phân loại và thu gom

Mỗi loại chất thải phải được thu gom vào các thùng, túi riêng

– Chất thải thông thường không phục vụ mục đích tái chế: Thùng, túi màu xanh

– Chất thải thông thường phục vụ mục đích tái chế: Thùng, túi màu trắng

– Chất thải sắc nhọn: Hộp kháng thủng (Màu vàng, có thành và đế cứng, không bị xuyên thủng)

– Chất thải lây nhiễm: Thùng, túi màu vàng.

– Chất thải nguy hại không lây nhiễm: Thùng, túi màu đen

(Chú ý: Khi làm lẫn chất thải lây nhiễm với chất thải thông thường, thì toàn bộ thùng chất thải thông thường ấy phải được xử lý giống như chất thải lây nhiễm)

Kiến thức về lưu giữ chất thải y tế

– Tại các khoa, phòng trong bệnh viện: Chất thải được phân loại và thu gom trong các thùng, túi có mã màu riêng. Hàng ngày nhân viên công ty vệ sinh sẽ vận chuyển về khu lưu giữ tạm thời của Bệnh viện. Tần suất 02 lần/ngày và ngay khi đầy, cần thay thế thùng, túi mới.

– Tại nơi lưu giữ tạm thời của Bệnh viện: Chất thải được lưu giữ tạm thời trước khi vận chuyển đi tiêu hủy tối đa 48 giờ theo quy định.

Kỹ sư Nguyễn Trần Phương Khoa KSNK

Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *